10 trường đại học cho sinh viên học trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau
Lãnh đạo 10 trường đại học hàng đầu cả nước khối Kinh tế trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ngày 29/10 (Ảnh: Thùy Linh).
Theo biên bản thỏa thuận hợp tác, 10 trường đại học sẽ tổ chức các khóa trao đổi học viên, sinh viên, trong đó khóa dài hạn là 1 học kỳ, tương ứng khoảng 15 tuần.
Mười trường đại học hàng đầu cả nước trong khối Kinh tế vừa tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Các trường tham gia thỏa thuận gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thương mại; Học viện Tài chính; Học Viện Ngân hàng; Học viện Chính sách và Phát triển; Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Sinh viên có thể tham gia học trao đổi trong 1 học kỳ
Theo biên bản thỏa thuận hợp tác, 10 trường đại học sẽ tổ chức các khóa trao đổi học viên, sinh viên.
Khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần) cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng người học của trường tiếp nhận trong các lớp mở theo kế hoạch học tập của trường.
Khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 đến 8 tuần) được tổ chức trong thời gian hè. Các trường đại học công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học thuộc nhóm 10 trường trong thỏa thuận được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ.
Ngoài thời gian lên lớp, người học có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên trường tiếp nhận. Ngoài nội dung học tập chuyên môn, trường tiếp nhận tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, hoạt động cộng đồng… Khóa ngắn hạn được tổ chức chung cho tất cả người học của các trường tham gia.
Chương trình dự kiến được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện).
Về việc tuyển chọn sinh viên/học viên, người học có nhu cầu đăng ký học chương trình trao đổi tại trường khác thì trường cử đi có trách nhiệm lập danh sách người học đủ điều kiện gửi cho trường tiếp nhận trước khóa trao đổi, chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ bắt đầu.
Số lượng người học và điều kiện đầu vào (bao gồm kết quả học tập, điều kiện ngoại ngữ…) của người học tham gia chương trình trao đổi cho từng năm học sẽ được trường tiếp nhận công bố ít nhất 1 kỳ trước khi năm học bắt đầu. Trường tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận người học và biên chế vào các lớp phù hợp.
Về vấn đề học phí, người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo. Chi phí ăn ở, đi lại và tham gia các hoạt động (ngoài học phí) do người học tự chi trả.
Trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác. Các trường tham gia có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho trường đăng cai tổ chức các chương trình để tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cộng đồng của người học. Các trường đăng cai tổ chức khóa học chung có thể mời giảng viên đến từ các trường thành viên tham gia giảng dạy
Về việc công nhận kết quả các khóa học cho sinh viên/học viên, kết thúc khóa trao đổi, trường tiếp nhận có trách nhiệm cấp bảng điểm, xác nhận hoàn thành chương trình.
Trường cử đi có trách nhiệm công nhận/miễn hoặc chuyển đổi kết quả học tập của các học phần đã học theo quy định (bao gồm học phần bắt buộc, tự chọn, tự chọn tự do tương ứng với chương trình đào tạo cử nhân hoặc thạc sĩ) của người học, hoặc tính điểm rèn luyện khi người học tham gia các hoạt động ngoại khóa tùy thuộc vào quy định của từng trường.
Trường cử đi cũng có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người học trong thời gian thực hiện chương trình trao đổi về chính sách học bổng hỗ trợ học tập, sinh hoạt đoàn thành niên.
Giáo trình các trường khác nhau, sinh viên trao đổi có gặp khó khăn?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, mục tiêu của thỏa thuận này giữa các trường là tạo dựng một môi trường học tập thuận lợi nhất cho sinh viên.
"Việc sinh viên có cơ hội học tập ở nhiều trường khác nhau sẽ đem đến cho các em nhiều trải nghiệm bổ ích trước khi bước vào thế giới việc làm. Mỗi trường thường có những thế mạnh riêng, sinh viên có thể tìm hiểu và khai thác những điểm tốt nhất của từng trường", GS Chương cho hay.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phát biểu tại buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác (Ảnh: Thùy Linh).
Trả lời câu hỏi việc mỗi trường có một giáo trình, quy chuẩn khác nhau có gây khó khăn cho sinh viên trao đổi, GS Chương nhấn mạnh, trước lễ ký kết thỏa thuận, 10 trường đại học đã có những sự điều chỉnh để chương trình đào tạo tương đối gần nhau. Như vậy, khi sinh viên học trao đổi trong 1 học kỳ (khoảng 3-4 môn), các môn này sẽ đều có sự tương đồng với môn sẽ học tại trường tiếp nhận.
Theo GS Chương, nhóm sinh viên được khuyến khích nhiều hơn trong việc tham gia học trao đổi là sinh viên từ năm thứ ba trở đi. Bởi thông thường ở năm nhất, năm hai, sinh viên còn khá non trẻ, chưa vững các kiến thức nền tảng.
"Việc trao đổi sinh viên có thể bắt đầu ngay từ học kỳ 2 của năm học này, tức là khoảng sau Tết Nguyên đán. Còn trong học kỳ này là thời điểm để sinh viên suy nghĩ, lựa chọn đăng ký. Đối với các bạn chỉ học trao đổi trên cùng địa bàn thành phố sẽ dễ dàng hơn, nhưng với những bạn muốn trải nghiệm một môi trường hoàn toàn khác (ví dụ từ Hà Nội vào Đà Nẵng hay Huế, TP.HCM) thì quá trình chuẩn bị sẽ lâu hơn.
Theo tôi, có lẽ làn sóng sinh viên trao đổi sẽ nhiều nhất từ năm học mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải bắt đầu từ bây giờ để các em có đủ thời gian chuẩn bị", GS Chương nói.
PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trước nay, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện việc trao đổi sinh viên giữa trường trong nước với trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường trong nước với nhau thực tế chưa nhiều.
Để thực hiện thỏa thuận này, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đang tiến hành rà soát lại toàn bộ kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp với kế hoạch đào tạo của các trường khác. Bên cạnh đó, chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của trường bạn tham gia hợp tác lần này, bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất lẫn điều kiện học tập.
PGS Thành nhấn mạnh, cơ hội lớn nhất dành cho sinh viên khi nhóm 10 trường hàng đầu trong khối ngành Kinh tế ký kết thỏa thuận hợp tác là sinh viên sẽ có rất nhiều trải nghiệm.
"Thứ nhất là được trải nghiệm những môi trường học tập, những thế mạnh về kiến thức, chuyên môn của mỗi trường. Thứ hai là trải nghiệm về cuộc sống, môi trường văn hóa, những điều thú vị mà tuổi trẻ nên được trải nghiệm.
Ví dụ, khi một sinh viên tại Hà Nội có thể trải nghiệm môi trường sống tại TP.HCM hoặc Huế, Đà Nẵng, những tích lũy này sẽ rất quý giá cho tương lai của các bạn.
Sau này khi ra trường, các bạn có thể sẽ làm việc trong một môi trường kinh doanh có mạng lưới ở khắp đất nước. Những am hiểu về văn hóa, những trải nghiệm về cuộc sống từ thời sinh viên sẽ giúp bạn rất nhiều và đôi khi thành công đến từ những trải nghiệm nhỏ như vậy", PGS Thành phân tích.
Nguồn: Sưu tầm