3 trải nghiệm du lịch đặc trưng Nam Bộ

Tháng 5 22, 2023 - 23:22
Tháng 8 15, 2023 - 00:10
 0  15
3 trải nghiệm du lịch đặc trưng Nam Bộ

Núi Bà Đen. Ảnh: Sun Group

Đến núi Bà Đen chiêm bái Phật, nghe đờn ca tài tử ở Bạc Liêu hay ghé cù lao thăm miệt vườn... là những trải nghiệm nên thử khi tới Nam Bộ.

Từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, miền Đông và Tây Nam bộ bắt đầu bước vào mùa khô, các miệt vườn cũng đến vụ thu hoạch hoa trái. Du khách đến đây có thể trải nghiệm nhiều hoạt động tham quan, vui chơi - giải trí đa dạng.

Chiêm bái tượng Phật trên núi Bà Đen

Nằm ở độ cao 986 m, núi Bà Đen được biết đến với tên gọi "nóc nhà Nam Bộ", gắn liền với câu chuyện dân gian về nơi Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát từng hiển linh báo mộng. Theo thống kê, mỗi năm, núi Bà Đen thu hút hàng triệu du khách thập phương đến vãn cảnh và chiêm bái. Trên núi hiện có nhiều chùa, am, động, miếu cùng các công trình tâm linh quy mô. Riêng hệ thống chùa tại núi Bà Đen gồm 6 điểm, trong đó Linh Sơn Tiên Thạch Tự là ngôi chùa cổ nhất, lên đến 300 năm tuổi.

Khi lên đỉnh núi, du khách sẽ chiêm ngưỡng bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng, nhìn ra hồ Dầu Tiếng, tìm hiểu văn hóa Phật giáo thông qua nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại tại khu triển lãm nằm ở khối đế 4 tầng ngay bên dưới.

Tầng một của khu triển lãm là khu vực ứng dụng công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh đa dạng. Tầng hai trưng bày mô hình 16 ngôi chùa cổ của Việt Nam thông qua hình ảnh ba chiều được tạo bởi 16 thiết bị trình chiếu Hologram. Tầng ba là không gian trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới. Còn tầng 4 lưu giữ xá lợi Phật do các cao tăng Myanmar trao tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Không gian văn hóa Phật giáo tại quần thể tâm linh trên núi Bà Đen. Ảnh: Sun Group

Trên đỉnh núi Bà Đen có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thường thấp hơn trung tâm thành phố từ 8-10 độ, cảnh quan thiên nhiên với hàng trăm nghìn gốc cây, hoa các loại. Trong các tour du lịch vào mùa hè, du khách và Phật tử thập phương còn được tham dự chuỗi sự kiện và lễ hội tâm linh như đại lễ Phật đản (tháng 4 âm lịch), lễ vía Bà Đen (tháng 5 âm lịch)...

Đến Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử

Rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, khu khách có thể nghe tiếng đờn ca tài tử ở các miệt vườn, bên bờ kênh, hay trong những quán cafe võng dưới những rặng cây xanh ven đường. Nghệ thuật trình diễn đặc trưng của vùng Nam Bộ này cũng được trình diễn trên đỉnh núi Bà Đen vào dịp 30/4 vừa qua.

Nghệ sĩ trình diễn đờn ca tài tử. Ảnh: Sun Group

Không chỉ là một bộ môn nghệ thuật, di sản văn hóa phi vật thể, đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người dân khu vực phía Nam. Bạc Liêu được coi như quê hương của môn nghệ thuật trình diễn này, cũng là nơi sinh ra nhiều nghệ nhân, trong đó có nghệ sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng khắp ba miền.

Ngoài nghe các nghệ sĩ trình diễn và tham quan Khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam Bộ, du khách còn có thể đến thăm nhiều công trình văn hóa, lịch sử gắn liền với cộng đồng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa như nhà công tử Bạc Liêu, khu Quán Âm Phật Đài, chùa Xiêm Cán, nhà thờ Tắc Sậy...

Đi cù lao thăm miệt vườn

Ngồi ghe xuôi theo sông Tiền, sông Hậu đến với các cù lao xanh yên bình là trải nghiệm nên thử của du khách khi đến vùng sông nước Tây Nam Bộ. Đi dọc các cù lao là những con đường làng xuyên qua những vườn cây trái và ngôi nhà nhỏ đơn sơ.

Khách du lịch có thể tới cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nằm giữa hai nhánh sông Hậu và sông Trà Ôn, nơi có những vườn chôm chôm chín đỏ, vườn nhãn trĩu cành cùng làng nghề bánh tráng có tuổi đời gần 100 năm. Hay cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nằm giữa những vườn cây ăn trái và các ngôi nhà cổ tuổi đời cả trăm năm. Một điểm đến nữa là cù lao Dung (Sóc Trăng) là nơi du khách tham quan rừng ngập mặn, xem người dân đánh bắt cá, cào nghêu...

Nguồn: Sưu tầm