Bài toán lợi nhuận của bánh trung thu
Ảnh Internet
Chiếc bánh trung thu không đắt, nó chỉ là điển hình cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam khi loay hoay trong bài toán giá rẻ mà lại thành đắt.
Bánh trung thu có đắt hay không? Trước tiên, hãy trả lời câu hỏi: một chiếc bánh trung thu với chi phí sản xuất là 15.000 đồng và được bán lẻ với giá 50.000 đồng, nhà sản xuất có phải đã lãi lớn? Có một số ý kiến cho rằng, một chiếc bánh trung thu có dùng nguyên vật liệu mua siêu thị cũng chỉ tốn tối đa 15.000 đồng chi phí sản xuất. Như vậy nhà sản xuất chỉ cần bán với giá 20 nghìn là đã có lãi. Theo cách tính này, tỷ lệ lợi nhuận gộp của sản phẩm này là 25%.
Tôi nhớ một tỷ phú đã từng nói: "Lãi suất đầu tư 20% là rất tốt rồi, ai cảm thấy có thể kiếm được danh mục nào trả lãi cao hơn mời cầm tiền tự đi đầu tư". Như vậy, lợi nhuận 25% đã là lợi nhuận trong mơ của các tỷ phú rồi. Bán một chiếc bánh giá 20.000 đồng, trừ đi 15.000 đồng chi phí, còn lãi 5.000 đồng, nhiều đấy chứ?
Những chắc các bạn quên đóng thuế? Thuế VAT hiện tại cho danh mục hàng hóa không thiết yếu là 8%, có thời hạn đến hết năm. Thuế VAT sẽ được tính trên giá bán cho người dùng cuối, 8% của 20.000 đồng là khoảng 1.600 đồng. Như vậy, số lãi hiện giờ chỉ còn 3.400 đồng, tính ra là 17%, vẫn tốt đấy chứ?
Thôi nào, bánh của bạn từ lò ra nó tự mọc bốn chân với cái định vị để chạy đến tận tay khách hàng sao? Bốn cái bánh tự hùn tiền để mua cái hộp và tự nhảy vào ư? Bạn phải trả tiền vận chuyển, kho bãi, bốc xếp chứ. Chi phí logistic trên GDP của Việt Nam là 20%. Thường thì khu vực sản xuất và bán lẻ sẽ có tỷ trọng chi phí logistics cao hơn trung bình, nhưng cứ tính 20% cho dễ. 20% của 20.000 đồng là 4.000 đồng. Vậy là bạn lỗ 600 đồng mỗi cái bánh nếu bán ở giá đó.
Và điều tệ nhất là bạn còn chưa tính chi phí bán hàng. Nếu một cơ sở sản xuất chỉ làm vài chục nghìn hoặc vài trăm nghìn cái bánh để phục vụ dân địa phương, chi phí bán hàng của họ có thể sẽ ở mức dễ chịu vì họ không phải gửi hàng vào các hệ thống phân phối. Nhưng nếu là một công ty sản xuất hàng triệu hay hàng chục triệu cái bánh, sẽ không thể tiêu thụ hết chỗ bánh đó nếu không nhờ cậy các kênh phân phối.
Mà thôi, hãy nói đến khoản phí đáng kể nhất khi đưa hàng ra thị trường, khoản phí không phụ thuộc vào năng lực sản xuất mà phụ thuộc hoàn toàn vào "cách ăn ở" của nhà sản xuất. Nhiều ý kiến chê trách các nhà sản xuất bánh trung thu tham lam và bóc lột khi chiết khấu cho nhà phân phối 50%, đè nặng lên túi tiền người tiêu dùng.
Nhưng khoản phí lên kệ, tức chiết khấu dành cho các nhà phân phối lớn như siêu thị, vào ngày thường đã dao động trong khoảng từ 30 đến 40% cho mỗi mã hàng. Và đó là chiết khấu của những nhà sản xuất uy tín lâu năm, có thương hiệu phủ sóng rộng, sản phẩm có doanh số cao nhiều năm liền. Những nhà sản xuất mới gia nhập thị trường, thậm chí sản phẩm mới của các nhà sản xuất uy tín, sẽ phải cõng phí lên kệ lên tới 50% thậm chí hơn, và kèm theo các điều khoản ngặt nghèo.
Bánh trung thu luôn là mặt hàng mới, chuyện chiết khấu cho các nhà phân phối 50% là thông lệ ngành, chiết khấu 60% vẫn chưa được tính là tăng giá ngày lễ. Với các nhà phân phối, chiết khấu số lượng chính là khoản thu chủ yếu để họ chi trả các chi phí mặt bằng, nhân viên, hệ thống kiểm soát, hệ thống thanh toán, dịch vụ hậu mãi và nhiều loại chi phí nữa. Khoản này có thể giảm, nhưng sẽ không rớt xuống dưới 40% cho những mặt hàng thời vụ như bánh trung thu.
Giá bán để hoàn vốn theo từng mức chiết khấu được tính như sau, giả sử rằng chi phí sản xuất là 15.000 đồng cho mỗi chiếc bánh. Tức là với chi phí sản xuất như đã cho, một chiếc bánh bán với giá 50.000 đồng sẽ đóng góp 3.000 tiền lãi ở mức chiết khấu 40%, sẽ bán cho vui ở mức chiết khấu 50% và sẽ tương đương giá xả hàng ở mức chiết khấu 60%. Giá để có lãi tại mức chiết khấu 40% là 48.000 đồng trở lên. Giá để có lãi tại mức chiết khấu 50% là 69.000 đồng trở lên. Tại mức chiết khấu 60% thì có lẽ khỏi cần bán nữa.
Đây là giá để có lãi với điều kiện tất cả bánh đều được bán tại giá này. Trong thực tế các nhà sản xuất sẽ độn thêm một khoản dự phòng khoảng 5% cho các trường hợp hàng lỗi, hàng hỏng, và còn cả hàng xả giá cuối mùa nữa. Kết quả tính toán khá phù hợp với thực tế thị trường, với mức giá thường thấy của bánh trung thu cỡ thông thường rơi vào khoảng từ 60.000 đến 80.000 đồng, bánh cỡ nhỏ hơn có giá từ 40.000 đến 60.000 đồng.
Có nhiều trường hợp các nhà sản xuất trong nước đã quên không tính đến chi phí bán hàng nếu mở rộng thị trường ra phạm vi toàn quốc, do đó đã phải rút khỏi các hệ thống siêu thị trong ấm ức. Đánh thử cụm "phí lên kệ" lên trang tìm kiếm, mọi người sẽ đọc được nhiều câu chuyện có kết thúc khá buồn cho nhà sản xuất. Các nhà sản xuất trong nước có xu hướng dùng giá rẻ để làm lợi thế cạnh tranh, nhưng chính mức giá rẻ có khi sẽ khiến họ bật bãi khỏi các hệ thống siêu thị trong nước, dẫn đến mất thị phần vào tay các thương hiệu nước ngoài.
Mọi người đi thử một vòng siêu thị và để ý thì sẽ thấy. Một cách mà các nhà sản xuất bánh trung thu đã làm để lách qua khe cửa hẹp chính là sản xuất các sản phẩm ở phân khúc cao, các sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp. Các sản phẩm được khách hàng doanh nghiệp đặt riêng làm quà sẽ không phải cõng chiết khấu của hệ thống phân phối, còn các sản phẩm cao cấp sẽ đóng góp lớn vào biên lợi nhuận.
Nhờ vào hai phân khúc này, nhà sản xuất có thể "bán cho vui" một chút ở phân khúc đại trà (dĩ nhiên là vui thôi đừng vui quá). Hai phân khúc này cũng đem lại dòng tiền sớm so với phân khúc đại trà, nơi mà nhà phân phối sẽ trả chậm từ 30 đến 90 ngày tùy thuộc vào độ thân thiết của hai bên. Câu chuyện này cũng không thể trách những nhà phân phối. Chi phí mặt bằng và nhân lực là hai khoản chi tiêu khổng lồ, nếu không thu chiết khấu thì họ không thể duy trì hệ thống được.
Chiếc bánh trung thu không đắt. Nó chỉ là một hình tượng làm nổi bật lưỡng nan đề của chuỗi cung ứng tại Việt Nam khi loay hoay trong bài toán giá rẻ mà cuối cùng lại hóa đắt: một bên là chuỗi logistics thiếu đầu tư dẫn đến tình trạng vừa đắt vừa kém hiệu quả, một bên là chiến lược giá rẻ khiến thu nhập của người lao động không đảm bảo đến mức không thể thoải mái bỏ tiền mua một chiếc bánh trung thu. Câu hỏi rằng có phải tất cả các chi phí liên quan đã được tính đến khi đánh giá một món hàng hoặc một sự việc, tôi xin dành cho bạn đọc.
Nguồn st.