Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái vườn Quốc gia Ba Vì

Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì có hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng, với nhiều loài động, thực vật rừng quý, hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn gen. Nơi đây còn hội tụ nhiều cảnh quan kỳ vĩ, những di sản văn hóa lâu đời của người Việt cổ vùng đồng bằng sông Hồng, những di tích lịch sử từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các công trình văn hóa, tâm linh như: Đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên…, khiến cho VQG Ba Vì trở thành khu du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn.

Tháng mười hai 10, 2022 - 18:12
Tháng sáu 9, 2023 - 17:57
 0  29
Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái vườn Quốc gia Ba Vì

Vườn Quốc Gia Ba Vì. Ảnh: Internet

VQG Ba Vì thuộc địa phận 15 xã, 5 huyện thuộc TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Mặc dù, có diện tích khiêm tốn (9.702,41ha, chiếm 0,42% tổng diện tích rừng đặc dụng toàn quốc) nhưng VQG Ba Vì là một trong 6 VQG quan trọng bậc nhất của cả nước, là lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội, có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Về tự nhiên, Vườn nằm trọn trên dãy núi Ba Vì, do kiến tạo địa chất đặc biệt với sự tạo sơn từ núi lửa giữa lòng sông, được hình thành từ những vận động địa chất Idosinias cách đây khoảng 150 triệu năm, nên cảnh quan Ba Vì được coi là đặc biệt hùng vĩ, núi già nhưng có đỉnh rất nhọn bởi được cấu tạo từ đá cuội kết trên nền mắc ma cổ, gần như không bị phong hóa theo thời gian.

Với kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới được coi là lâu đời nhất của khu vực Đông dương, Ba Vì là nơi bảo vệ hệ sinh thái rừng đặc trưng khu vực Đồng bằng Bắc bộ, thảm thực vật được ví như bộ khung chính của một hệ sinh thái trên cạn, có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH. Đa dạng thảm thực vật và sự biến đổi của thực vật theo độ cao tại VQG Ba Vì đặc trưng bởi 3 kiểu rừng chính: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới; rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới và kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp. Theo thống kê, đến nay Ba Vì có 2.181 loài cây gỗ, 503 loài cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư và 552 loài côn trùng… có giá trị đặc biệt không thể thay thế về khoa học, bảo tồn nguồn gen.

Về văn hóa lịch sử, núi Ba Vì là vùng đất quần cư của các dân tộc Kinh, Mường và Dao với nhiều phong tục tập quán lâu đời. Nơi đây được coi là vùng “đậm đặc” nhất về văn hóa khu vực xứ Đoài xưa và có ý nghĩa quan trọng trong tâm linh của người Việt Nam…

Văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì, như một bản anh hùng ca bất diệt hào hùng trong lao động và trong chiến đấu chống lại thiên tai, từ sự đóng góp vĩ đại đó, Sơn Tinh được người đời sau suy tôn là Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Bách Thần, Thượng Đẳng Tổ Linh Thần, Nam Thiên Thánh Tổ.

Ngày 25/4/1931, đánh dấu một mốc lịch sử, lần đầu tiên Ủy ban Bảo tồn rừng đã ra quyết định thành lập Khu Bảo tồn rừng tại Ba Vì với tổng diện tích là 6500ha. Năm 1942, G. Tucat - Công sứ Pháp tại Sơn Tây đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng khẳng định người Pháp đã và đang được thẩm thấu các giá trị văn hóa của người Việt thông qua những câu chuyện về dãy núi Ba Vì, khi đề cập sự tôn trọng tâm linh người Việt của núi Ba Vì. Cũng trong thời gian này, người Pháp cũng mang đến đây một loài hoa đặc biệt, nở rộ vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, khiến khu vườn như được khoác lên mình tấm áo vàng ruộm. Hoa dã quỳ - một loài hoa đặc trưng của VQG Ba Vì, từ lâu, mùa dã quỳ đã trở thành một điểm đến tuyệt vời của du khách trong và ngoài nước. Đến nay, các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Pháp tại Ba Vì đã mang lại những đóng góp rất lớn cho ngành.

Trong những năm qua, Vườn đã triển khai nhiều Chương trình bảo tồn hệ sinh thái, ĐDSH, nhất là bảo tồn các cây dược liệu quý, cụ thể: Trồng mới (4.129,3 ha rừng), khoanh nuôi xúc tiến tái sinh (687 ha), cải tạo làm giàu rừng (195 ha), trồng vườn thực vật (40 ha với 250 loài cây); bảo tồn được 300 ha cho 11 loài cây gỗ quý hiếm và 7,5 ha cho 6 loài cây dược liệu quý hiếm. Đến năm 2022 nâng tổng diện tích đất có rừng lên 8.925,4 ha, độ che phủ của rừng tăng từ 67,5% lên 78%.

Về vấn đề vùng đệm, mặc dù không thuộc quyền quản lý, nhưng Vườn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội, tạo sự lôi cuốn người dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng. Phát triển du lịch sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường đồng thời xây dựng một số dự án phát triển vùng đệm nhằm cải thiện một bước đời sống nhân dân trong khu vực, hạn chế đến mức thấp nhất tệ nạn tàn phá tài nguyên rừng.

Nguồn: Sưu tầm.