Bước lùi mạo hiểm của cô gái 9X, thành quả là 70 triệu đồng/tháng

Tháng 3 14, 2023 - 18:32
Tháng sáu 2, 2023 - 17:04
 0  11
Bước lùi mạo hiểm của cô gái 9X, thành quả là 70 triệu đồng/tháng

Trần Mai Ril, cô gái 28 tuổi, khởi nghiệp thành công nông trại nấm, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tình yêu với loại cây không cành, không lá

16h, Trần Mai Ril (28 tuổi, ngụ tại ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cùng ba mẹ ra trang trại thu hoạch nấm. Chị Ril cho biết, ngày nào gia đình cô cũng cùng nhau làm công việc này. Dù trời gần đây nắng nóng, cả nhà vẫn thấy rất vui với việc cùng thu hoạch thành quả lao động.

Hơn nữa, nóng ấm, nấm cũng trong quá trình phát triển mạnh mẽ khiến ai nấy cũng thấy vui vẻ.

Được biết, chị Ril đang là chủ của 6 nhà trại trồng nấm, với quy mô hơn 200m2. Mỗi ngày, trang trại cung cấp hàng chục cân nấm cho khắp các tỉnh, thành cả nước. Mô hình kinh doanh này tạo cho chị nguồn thu nhập từ 60-70 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, lao động chính trong trang trại là chị Ril và ba mẹ cô, ngoài ra, Ril còn tạo cơ hội việc làm cho người dân sống gần đó.

Hiện tại, nông trại của chị Ril có đa dạng các loại nấm như nấm hồng ngọc, hoàng kim, xoài trắng, xoài xám và linh chi… Trong đó, loại được ưa thích là nấm bào ngư. Chu kỳ chăm sóc và thu hoạch diễn ra khoảng 15 ngày, riêng các loại nấm mối, nấm chân dài, hoàng đế… có thể kéo dài 20-25 ngày. Căn trên quy trình phát triển đó, chị Ril sẽ trồng xen kẽ các mẻ nấm sao để ngày nào cũng có sản phẩm thu hoạch được.

Các đơn hàng đặt mua nấm, phôi nấm đến từ khắp tỉnh, thành, khiến chị Ril và gia đình phải làm việc quần quật cả ngày. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Trồng nấm không phải như nuôi một con vật, không phải cần là có liền. Chúng ta phải biết các tính toán, gieo trồng sao cho đến ngày đó có nấm để thu hoạch", chị Ril nói.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Ril cho hay, mặc dù việc trồng nấm trông có vẻ đơn giản, nhưng nếu muốn có số lượng lớn thì phải bỏ nhiều công sức, thời gian và quan trọng là nắm chắc kiến thức về từng loại nấm. Công việc dù mang lại doanh thu cao, nhưng người trồng cũng phải đứng trước nhiều rủi ro. Trong đó, việc trồng nấm quan trọng nhất là điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp.

"Hơn hết, bí quyết để khởi nghiệp thành công chính là yêu thích công việc mình đang làm. Dù có khó khăn cách mấy, chỉ cần được nhìn ngắm cây nấm lớn lên mỗi ngày cũng đủ bù đắp", chị Ril chia sẻ trong hạnh phúc.

Mỗi buổi sáng, chị Ril và các thành viên trong gia đình phải dậy từ sớm. Chị sẽ phụ trách kiểm tra và chuẩn bị đơn hàng nấm tươi, phôi nấm… sau đó em của chị sẽ đem giao. Trong ngày, cả gia đình sẽ chia nhau để chăm sóc và thu hoạch nấm.

"Quần quật thấy hết ngày luôn nhưng như vậy rất vui. Bản thân tôi chưa từng nghĩ sẽ hợp với nghề nông đến thế", chị Ril cười.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp

Chị Ril chia sẻ, trước năm 2019, chị từng có một công việc mơ ước trong lĩnh vực lữ hành, du lịch tại TPHCM, với mức lương ổn định. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch "chết đứng" khiến bản thân Ril "rơi tự do".

Vốn yêu thích trồng nấm từ khi còn là sinh viên, những ngày nhàn rỗi, chị Ril đã tận dụng ngay vườn nấm nhỏ trong phòng trọ, để lấy đó làm lương thực trong những ngày giãn cách.

Cô gái cho biết, từ bỏ công việc ở TPHCM để về quê khởi nghiệp là bước mạo hiểm nhưng rất xứng đáng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thời điểm đó, vì không thể đi làm nên kinh tế vô cùng khó khăn. Lương của chị bị cắt giảm, đôi lúc phải nghỉ việc dài hạn. Đến nỗi, tiền trọ, tiền học phí cho em trai Ril cũng không kham nổi.

"Lúc đó tôi mới ngẫm lại về tương lai, nếu cứ chờ hết dịch thì không biết đến bao giờ. Tôi mới nhìn sang hàng nấm mà mình trồng, nghĩ rằng bản thân tôi cũng có theo đuổi nó một thời gian dài. Ở quê lại chưa có ai khởi nghiệp trồng nấm nên tôi mới thật sự nghiêm túc lựa chọn nấm là thứ phát triển sự nghiệp", chị Ril nhớ lại.

Rời TPHCM với bao hoài bão, chị Ril nhận không ít sự can gián, e ngại từ gia đình và bạn bè. Bởi chị đã mất nhiều năm học đại học và có một công việc ổn định, từ bỏ là quyết định mạo hiểm.

Chuẩn bị cho bước "lùi" để vươn lên, chị Ril mạnh dạn nhập khoảng 200 phôi nấm bào ngư, tận dụng khoảng trống phía sau nhà để trồng. Khi thu hoạch, vì thấy người dân còn e dè với loại nấm khá mới mẻ này, Ril chủ động tặng sản phẩm dùng thử. Dần về sau, Ril vừa bán vừa cho, càng thu hút được nhiều người biết đến nấm mình trồng.

Thấy công việc làm ăn có tiến triển, chị Ril ngỏ ý huy động vốn từ gia đình, hội phụ nữ và ngân hàng chính sách của ấp, xã để đầu tư thêm. Số lượng đơn hàng ngày một tăng dần, mở rộng thêm thị trường ra các tỉnh, thành khác. Ril tiếp tục xây dựng trang trại làm bằng tre, lợp mái bằng lá dừa, chặt cây sau vườn để dựng trại làm nơi nuôi trồng 3.000 phôi nấm.

Trang trại được chính tay chị Ril và các thành viên trong gia đình cùng nhau xây dựng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến, Ril đẩy mạnh bán thêm phôi nấm để có thể xoay vòng vốn vào các mùa nấm không phát triển mạnh. Bên cạnh đó, cô gái còn đi học thêm các khóa tiếp thị sản phẩm, biến bản thân và nông trại theo kịp thời đại 4.0.

"Các đơn hàng tới càng nhiều vì khách hàng thêm tin tưởng. Hễ cứ cần nấm ăn, tôi sẽ lập tức đóng gói, giao đến tận bàn ăn mà không qua trung gian. Dần về sau, trại nấm càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm và giữ chân nguồn khách hàng", chị Ril cho hay.

Sau khoảng thời gian dài khởi nghiệp, trau dồi bản thân, cô gái 9X ngày càng trân quý công sức lao động của người nông dân hơn. Bản thân cô cũng có cho mình nhiều bài học đắt giá, kỷ niệm buồn vui lẫn lộn.

Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất vất vả, tạo nên kỷ niệm đáng nhớ cho bản thân Ril. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Nhớ nhất là lúc đầu khởi nghiệp, một mình tôi lái xe máy đi giao nấm, có khi cả ngày không ăn uống, ngủ nghỉ gì. Ở Cà Mau, vào mùa mưa hay có nước ngập, tôi phải lội xe như… bơi xuồng để kịp để giao nấm. Vùng quê nên nhà cửa cách xa nhau mấy chục cây số. Ngẫm lại thời điểm đó cũng thấy tủi thân, nhưng đã vượt qua rồi nhìn lại thì hạnh phúc lắm", chị Ril kể.

Cô gái bộc bạch, trước đây hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, để nuôi cô và em trai học đại học là một vấn đề lớn với bố mẹ. Đến nỗi mẹ Ril phải rời quê, đi làm công nhân ở Đồng Nai để kiếm tiền lo cho các con ăn học.

Giờ đây, dù đoạn đường phía trước còn nhiều thử thách, chị Ril cũng vô cùng hạnh phúc khi trại nấm phát triển. Bản thân cô cũng có thu nhập cao hơn so với trước, tạo niềm vui, cơ hội để cả gia đình có thể đoàn tụ, cùng nhau làm việc, không ai phải ly hương.

Nguồn: Sưu tầm