Các chuyên ngành Công nghệ thông tin đang hot nhất 2022
Các chuyên ngành Công nghệ thông tin là một lĩnh vực rất rộng, được chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau. Vậy những chuyên ngành đó là gì? Nến lựa chọn học ở trường nào mới đảm bảo được chất lượng đầu ra? Hãy cùng theo dõi bài viết sau để tìm ra câu trả lời cho mình bạn nhé!
Hiểu một cách đơn giản, đây là ngành học sử dụng hệ thống máy tính gồm có phần cứng, thiết bị ngoại vi để lưu trữ, truy xuất, truyền tải thao tác với nguồn dữ liệu hoặc thông tin. Công nghệ thông tin đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế hiện đại, cải tiến sản xuất, thống kê, tính toán số liệu, vận hành và vô số những ứng dụng hữu ích khác.
Trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin, các trường Đại học đã thực hiện đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành thuộc khối ngành Công nghệ thông tin.
Công nghệ thông tin là một lĩnh vực rất rộng, chính vì vậy mà ngành này được chia thành nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau, cụ thể:
Kỹ thuật phần mềm
Là một chuyên ngành đi theo định hướng nghiên cứu về cách thức hoạt động, quy trình, testing của hệ thống phần mềm vi tính với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng và khách hàng. Theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo tích hợp giữa kiến thức nền tảng với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Sinh viên sẽ nắm rõ về quy trình phát triển phần mềm từ phương pháp, công nghệ, kỹ thuật cho đến thiết kế, vận hành, phát triển và kiểm thử, bảo trì phần mềm.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ có cơ hội làm việc rộng mở tại nhiều vị trí khác nhau như: Lập trình viên, Kỹ sư cầu nối, Quản trị dự án, Đảm bảo chất lượng phần mềm, Kỹ sư giải pháp hoặc khởi nghiệp…
Hệ thống thông tin
Không giống như Kỹ thuật phần mềm, chuyên ngành Hệ thống quản lý thông tin với đặc thù chính là được áp dụng trực tiếp vào quá trình kinh doanh, gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ học được khả năng thiết kế, xây dựng, phân tích, triển khai và quản trị hệ thống thông tin, kiểm soát các vấn đề hiện có với mục đích cung cấp các thông tin có căn cứ khoa học. Từ đó đề xuất nhiều phương án hiệu quả trong quá trình phát triển doanh nghiệp.
Cử nhân chuyên ngành Hệ thống thông tin có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc như: Lập trình viên cơ sở dữ liệu, Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, tổ chức Đào tạo và kiểm định nghiệp vụ,…
Trí tuệ nhân tạo
Đây là chuyên ngành thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ có đam mê công nghệ. Có thể hiểu đơn giản, đây là sản phẩm lập trình do con người tạo ra nhằm giúp máy tính có thể tự động hóa hành vi như con người.
Chuyên ngành này sẽ đi sâu vào nghiên cứu các hệ chuyên gia, xử lý lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng, hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách dễ dàng, chính xác.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm việc tại một số vị trí điển hình như: Kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa, Kiến trúc sư dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu,…
An toàn thông tin
Chuyên ngành này sẽ đào tạo ra các kỹ sư có đủ khả năng để đánh giá những rủi ro về sự an toàn thông tin của một tổ chức, công ty; Từ đó có thể đưa ra các giải pháp phòng chống và khắc phục hiệu quả. Hơn ai hết, cử nhân chuyên ngành An toàn thông tin sẽ hiểu được các yếu tố về con người, tổ chức, kỹ thuật và chính sách liên quan đến An toàn thông tin của một doanh nghiệp.
Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành này nhằm định hướng cho sinh viên có khả năng về ICT, giải mã, xây dựng các thuật toán, phần mềm cũng như có kỹ năng tốt về phòng thủ hoặc tấn công của tin tặc (hacker) trong môi trường số. Đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin đang được lưu trữ.
Khoa học máy tính
Đây là chuyên ngành chú trọng vào đào tạo các lý thuyết về Công nghệ thông tin và cách tính toán, áp dụng vào hệ thống máy tính để xử lý các chương trình máy tính. Tốt nghiệp chuyên ngành này, cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ vô cùng rộng mở với các vị trí như: Lập trình viên, Chuyên viên phân tích và thiết kế các sản phẩm, Giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin,…
Thiết kế Mỹ thuật số
Thiết kế Mỹ thuật số là chuyên ngành có sự kết hợp giữa 2 lĩnh vực: Mỹ thuật và Công nghệ Thông tin. Theo học chuyên ngành này, bạn sẽ được đào tạo để sáng tạo ra những sản phẩm thiết kế nhằm phục vụ cho các lĩnh vực liên quan đến truyền thông đa phương tiện, game, điện ảnh, quảng cáo,… Các sản phẩm được thiết kế trên nền tảng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại như: Motion Capture (Công nghệ ghi hình chuyển động), Visual Effects (Hiệu ứng hình ảnh), Animation (Hoạt họa)…
Cơ hội việc làm của chuyên ngành này cũng vô cùng rộng mở như: Chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế cho các công ty thiết kế, công ty game, các công ty truyền thông, Chuyên gia 2D, 3D, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh,…
Công nghệ thông tin học trường nào?
Có rất nhiều thí sinh vẫn còn đang hoang mang không biết nên lựa chọn học Công nghệ thông tin ở đâu mới đảm bảo chất lượng đầu ra, dễ dàng tìm kiếm được một công việc ổn định, thu nhập hấp dẫn. Dưới đây là một số trường đại học dẫn đầu trong lĩnh vực đào tạo Công nghệ thông tin:
- Đại học FPT Hà Nội
- Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh
- Đại học FPT Cần Thơ
- Đại học FPT Đà Nẵng
- Đại học FPT Quy Nhơn
- Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Hà Nội/TP HCM
- Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội/TP HCM
- Đại học khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP HCM
- Học viện kỹ thuật quân sự
- Học viện bưu chính viễn thông
Công nghệ thông tin học khối nào? Phương thức tuyển sinh ngành CNTT năm 2022
Hiện nay, đa số các trường Đại học đều tổ chức tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin theo hai nhóm chính:
- Nhóm 1: Toán, Văn, Anh, Khoa học xã hội;
- Nhóm 2: Toán, Văn, Anh, Khoa học tự nhiên;
Bên cạnh đó, nhằm mang đến nhiều hơn những cơ hội cho các thí sinh có đam mê với công nghệ, nhiều trường còn mở rộng thêm nhiều phương thức tuyển sinh khác như:
- Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tuyển sinh dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG tổ chức
- Thí sinh có điểm thi THPT và điểm học bạ nằm trong Top40 theo trang xếp hạng School Rank (Trường Đại học FPT)
Hiện nay, Công nghệ thông tin đang là ngành “khát” nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi tại Việt Nam, theo ước tính trung bình mỗi năm cần hơn 15.000 lao động. Với kiến thức và kỹ năng đã được trang bị trong suốt quá trình học tập, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn.
Nguồn: daihoc.fpt.edu.vn