Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đều sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao
Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang dần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, thu hút nhiều hoạt động đào tạo nhân lực, doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư tại đây.
Khu CNC Hòa Lạc đang dần trở thành trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ cao cho đất nước
Hấp dẫn các dự án đào tạo nhân lực chất lượng cao
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc, Tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.732 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 371 ha. Tính riêng trong 11 tháng năm 2022, đã thu hút được 03 Dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 1113 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa...
Đặc biệt, Khu CNC Hòa Lạc đã dần hiện thực hóa trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ bậc cao cho đất nước. Điều này đã được minh chức thông qua sự có mặt của các trường đại học công nghệ lớn như: Đại học FPT, Đại học Việt - Pháp, Đại học Văn Lang đang triển khai xây dựng... Và trong những ngày của trung tuần tháng 12/2022 này, đại diện của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội để thảo luận về tiến độ xây dựng Trường Đại học Việt Nhật tại cơ sở Hòa Lạc ngay sau khi Bộ Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trường ĐH Việt Nhật. Hiện dự án tiền khả thi của Trường Đại học Việt Nhật đang được trình Chính phủ phê duyệt.
Điều này sẽ hứa hẹn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội nói chung và trực tiếp cho Khu CNC Hòa Lạc nói riêng cũng như các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp như Viện V-KIST, Trung tâm vũ trụ, Viện đo lường, các trung tâm kiểm thử... sẽ là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất để bứt phá trong giai đoạn tới.
Việc các trường đại học đặt trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc như Đại học FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Văn Lang… đã gắn với đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; công nghệ sinh học nông y dược; kỹ thuật hàng không; khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano; kỹ thuật điện và năng lượng tái tạo; khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh; khoa học dữ liệu; robot và tự động hóa; quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…
Các dự án đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc đều có nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao
Ông Trần Đắc Trung – Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết: hoạt động đào tạo, thu hút công nghệ cao được chú trọng, bước đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo và nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp (các sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp từ trường đại học tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã làm việc tại các dự án của doanh nghiệp chiếm khoảng 97%.”
Bên cạnh đó, nhiều khóa đào tạo hỗ trợ cho các doanh nghiệp về khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tài chính kế toán, đàm phán hợp đồng kinh doanh, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu…
Kết nối với doanh nghiệp
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nguồn nhân lực với các chuyên ngành về công nghệ cao, các cơ sở đào tạo tại đây còn đóng vai trò kết nối đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý, từ đó góp phần hình thành nên các mối liên kết viện trường doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao, điển hình là sự liên kết giữa Viện VKIST với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Tập đoàn Viettel với Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A…;
Ông Phan Văn Hiệu-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác với các nhà khoa học của Viện VKIST để nghiên cứu và phát triển nguyên liệu chiết xuất thảo dược thiên nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ Nano thế hệ mới và các giải pháp cải thiện sinh khả dụng, hứa hẹn cho ra đời rất nhiều sản phẩm ưu việt hơn trong tương lai gần, khi công nghệ lõi đã được các nhà khoa học của VKIST làm chủ".
Ông Phan Văn Hiệu đang chia sẻ hoạt động hợp tác của CVI với các đơn vị nghiên cứu khoa học cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại doanh nghiệp
“Sự hợp tác đó còn được thể hiện khi hai bên thống nhất dùng chung hạ tầng kỹ thuật, con người, cùng đầu tư nghiên cứu, tập trung vào cây Sâm Việt Nam và các dược liệu quý cho Viện Nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam của CVI Pharma. Các nghiên cứu viên của CVI sẽ có cơ hội được sử dụng các trang thiết bị máy móc thí nghiệm hiện đại nhất Việt Nam, trong những dự án chung với các Nhà khoa học VKIST, để nghiên cứu mang tính ứng dụng và thực tiễn hơn”, ông Phan Văn Hiệu chia sẻ.
Hiện Khu CNC Hòa Lạc đang tập trung tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, triển khai thực nghiệm tạo ra công nghệ cao, công nghệ mới được ứng dụng sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tạo các dịch vụ công nghệ cao và qua đó hình thành các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được các dự án đầu tư thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, phát triển công nghệ, hỗ trợ hoạt động R&D, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao.
Ngoài ra nhằm hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu CNC Hòa lạc, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo Công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cũng đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn với các nội dung như: Chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Xây dựng mô hình hoạt động và kỹ năng pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp; tổ chức đánh giá và sát hạch…
Có thể khẳng định, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã và đang dần hình thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ bậc cao phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư tại đây cũng như cho sự phát triển của đất nước. Hơn thế nữa, Khu CNC Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư đã có sự hợp tác chặt chẽ để giúp nơi đây trở thành cái nôi ươm mầm cho sự phát triển các dự án công nghệ cao, trở thành điểm đến hấp dẫn và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đồng thời
Nguồn: Sưu tầm