Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu phát triển tổng thể không gian đô thị ĐHQGHN thông minh tại Hòa Lạc
Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc thành khu đô thị đại học thông minh, đổi mới sáng tạo, tích hợp nhiều chức năng đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm hợp tác công tư. ĐHQGHN đang quyết liệt triển khai và thể hiện quyết tâm cao độ để hiện thực hoá mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân về một đô thị đại học sánh ngang với chất lượng quốc tế.
Là đơn vị tiên phong xây dựng và cho ra đời chương trình đào tạo Quản trị đô thị thông minh và bền vững đầu tiên tại ĐHQGHN, Khoa Các khoa học liên ngành đã được Ban Giám đốc ĐHQGHN tin tưởng đặt hàng nghiên cứu phát triển tổng thể không gian đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Ngày 16/09/2022, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã chủ trì buổi làm việc với nhóm nghiên cứu do PGS.TS.KTS (Kiến trúc sư) Nguyễn Hồng Thục làm trưởng nhóm.
05 vấn đề lõi phát triển Đô thị ĐHQGHN
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cùng các cộng sự đưa ra 5 năm trọng tâm cần đặc biệt lưu ý khi xây dựng đô thị ĐHQGHN thông minh tại Hòa Lạc, đó là: Cơ hội để chuyển đổi thành đô thị đại học, các nút thắt cần gõ bỏ trong quá trình chuyển đổi, chiến lược phát triển, khung cấu trúc thành phần thích ứng với đặc thù đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc, khung quản lý phát triển tổng thể đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục thuyết trình kết quả nghiên cứu cùng các cộng sự trước Ban Giám đốc ĐHQGHN.
Theo nhóm nghiên cứu, ĐHQGHN đang hội tụ nhiều cơ hội để trở thành một đô thị đại học với đội ngũ lãnh đạo trẻ và có tầm nhìn; được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ưu tiên dành cho không gian lớn, nằm cách vùng lõi của Thủ đô không xa để phát triển. Bên cạnh đó, ĐHQGHN có đa dạng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển sản phẩm, có thương hiệu đào tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của nền kinh tế tri thức. “Đô thị thông minh mà nền tảng là các trường đại học là động lực tăng trưởng kinh tế tri thức” – PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục chia sẻ.
Trưởng nhóm nghiên cứu cũng cho biết, Khung quản lý phát triển tổng thể không gian đô thị ĐHQGHN thông minh và bền vững cần bao gồm 5 khung thành phần là: Khung tự nhiên và cảnh quan văn hóa (bản sắc của địa điểm có thể hấp dẫn, quy tụ nguồn lực); Khung không gian vật thể (mức độ gắn kết giữa đại học và đô thị); Khung hoạt động của một đô thị đại học (nghiên cứu - sáng tạo - thị trường hóa - chuyển giao); Khung Quản lý tổng hợp (kiểm soát toàn bộ quá trình phát triển của đô thị đại học: chuẩn bị - xây dựng – vận hành – tái lập phát triển mới); Khung thể chế, chính sách và quy chế.
Dựa trên định nghĩa về đô thị thông minh là một khu vực sử dụng các loại phương pháp điện tử và cảm biến khác nhau để thu thập dữ liệu. Thông tin chi tiết thu được từ dữ liệu đó được sử dụng để quản lý tài sản, tài nguyên và dịch vụ một cách hiệu quả; đổi lại, dữ liệu đó được sử dụng để cải thiện hoạt động trên toàn khu vực, trong nghiên cứu của mình, PGS.TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục chia sẻ hai phương pháp tiếp cận đô thị thông minh, một là, tập trung vào sự áp dụng công nghệ để đạt được các tiện ích thông minh và hai là, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của con người thông minh với những sáng kiến và tư duy thông minh cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Bà cũng nhấn mạnh kết cấu chung của đô thị thông minh bao gồm 6 trụ cột là quản trị thông minh, cư dân thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, di chuyển thông minh, đời sống thông minh. Các trụ cột này cũng cho phép nhà quản lý biết chỉ tiêu nào cần cải thiện.
ĐHQGHN sẽ tập trung phát triển không gian đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao tâm huyết của nhóm nghiên cứu, cho rằng đây là những tham vấn ban đầu, có tính gợi mở cho việc phát triển không gian đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Giám đốc nhấn mạnh, ĐHQGHN sẽ tập trung vào việc kiến tạo không gian đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức một cách bài bản và hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt quy hoạch của các cơ quan có thẩm quyền. Việc xác định rõ nhu cầu phát triển của ĐHQGHN sẽ giúp việc tập trung nguồn lực dễ dàng hơn.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu mong muốn các nhà khoa học có thể tiếp tục nghiên cứu về khung phát triển ĐHQGHN tại Hòa Lạc thành một trung tâm kinh tế tri thức, đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển Khu đô thị Phía Tây của Thành phố Hà Nội.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn lưu ý nhóm nghiên cứu tập trung thêm vào các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ quá trình xây dựng và vận hành Khung quản lý phát triển tổng thể không gian đô thị ĐHQGHN thông minh và bền vững.
Trong thời gian tới, Ban Giám đốc sẽ tiếp tục làm việc với nhóm nghiên cứu để tiến hành điều chỉnh và vận hành Khung quản lý phát triển tổng thể không gian đô thị ĐHQGHN thông minh và bền vững.
Theo VNU