Cân nhắc xuống tiền đầu tư "ăn theo" Đại học Quốc Gia dời về Thạch Thất
Nhiều chuyên gia nhận định, Đại học Quốc gia về Thạch Thất sẽ thúc đẩy hoạt động dịch vụ, tuy nhiên không thể kích hoạt ngày một, ngày hai.
Giá đất chào bán 40 triệu/m2
Trong khi thị trường bất động sản được nhận định "hạ nhiệt" do tác động của nhiều chính sách hạn chế tách thửa, phân lô, tín dụng... thì đất ven trụ sở mới của Đại học Quốc Gia Hà Nội tại Hoà Lạc, Thạch Thất "nổi sóng" sau khi đơn vị này chính thức có thông báo chuyển trụ sở từ Hà Nội về đây.
Theo khảo sát cho thấy, giá đất các xã xung quanh như Hoà Thạch, Tiến Xuân, Bình Yên chỉ loanh quanh khoảng trên dưới 15 triệu/m2 và đang có xu hướng giảm do "vắng khách".
Thì những lô đất quanh Đại học Quốc Gia Hà Nội lại "nóng". Đơn cử như: Lô đất tái định cư Đại học Quốc Gia, diện tích 100m2, thổ cư 100%, lòng đường 8m, vỉa hè 4m, cách quốc lộ 21 và chợ Hòa Lạc 300m chào bán 35 triệu/m2.
Cũng lô đất 100m2, nhưng kém "hot" hơn về vị trí, mặt tiền 5m, đấu lưng đường đôi khu tái định cư Đại học Quốc Gia chào bán 31.5 triệu/m2.
Kèm theo đó là những gợi mở về mục đích sử dụng đất, gắn với các dịch vụ phục vụ, thương mại gắn với sinh viên như: Làm phòng trọ, chung cư mini, cafe, karaoke, nhà hàng,...
Trao đổi với PV, Đại diện Công ty CP đầu tư, phát triển bất động sản Đất Xanh Hoà Lạc (Green Land) cho biết, hiện nay giá đất xung quanh Đại học Quốc Gia Hà Nội tại Hoà Lạc, bán kính 2km tăng khá cao. Trước đây chỉ loanh quanh 20-23 triệu/m2 thì nay đã lên 35-37 triệu/m2. Những lô đất dưới 100m2 đã lên tới hơn 40 triệu/m2.
Ông Hải lý giải, những lô nhỏ giá cao hơn bởi tính thanh khoản tốt hơn, dễ bán hơn. Nếu như lô 100m2 khoảng 3,5 đến 3,7 tỷ thì lô nhỏ 70m2 chỉ khoảng 2,8 tỷ.
Ông Hải cũng cho rằng, tới đây, khi 6.000 sinh viên Đại học Quốc Gia về đây học tập, đất sẽ tăng thêm 1-2 giá nữa. Do đó, vẫn còn cơ hội để đầu tư.
Đầu tư dài hơi với nguồn vốn có sẵn
Nhìn nhận thị trường này, ông Nguyễn Thế Điệp, Uỷ viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi có lượng người khá đông trở về đây làm việc và học tập, phát triển các hoạt động dịch vụ như ăn uống, nhà trọ... là một điều tất yếu, phù hợp quy luật. Do đó, khu vực này vẫn thu hút sự quan tâm.
Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng, đây cũng là khu vực có nhiều quy hoạch phức tạp. So với mặt bằng chung, giá đất khá cao so với những địa phương xung quanh. Do đó, bài toán đặt ra hiện nay không phải là đầu tư lướt sóng mà là đầu tư giá trị dài hạn. Bởi theo ông Điệp, lượng sinh viên về đây khá đông nhưng ngược lại, để "kích hoạt" được các dịch vụ cũng phải từ 5-10 năm, không thể trong ngày một, ngày hai.
Chưa nói đến, chính bản thân các trường cũng đã có những quy hoạch mang tính tổ hợp, khép kín, đầy đủ ký túc xá, nhà ăn. Và nguồn đất trống còn nhiều, chắc chắn khi dịch vụ phát triển sẽ có sự cạnh tranh giữa những nhà làm dịch vụ, sinh viên hạn chế nên doanh thu không thể như những khu vực nội thành mà nhiều người mường tượng. Do đó ,ông Điệp khuyên, các nhà đầu tư nên xác định rõ định hướng đầu tư và kế hoạch sử dụng đất để tránh những rủi ro.
Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cùng nhận định, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông, xã hội sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên hoạt động đầu tư này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi và đầu tư dài hạn.
Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”.
Nguồn: Báo Giao Thông