Cảnh báo tình trạng "học hộ, thi hộ" của nhiều sinh viên
Trên mạng hiện nay xuất hiện tràn lan những dịch vụ "học hộ, thi hộ", điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học của nhiều trường đại học.
Học hộ, thi hộ - nghề tay trái của nhiều sinh viên
Dịch vụ học hộ, thi hộ không còn quá xa lạ với nhiều sinh viên thậm chí là nhiều người tham gia học thạc sỹ…cũng là những "khách hàng" của những dịch vụ như thế này. Chỉ cần tìm kiếm "học hộ, thi hộ" hay thậm chí là từ khóa "hỗ trợ học tập" trên facebook hay nhiều nền tảng mạng xã hội khác lập tức thu về hàng chục kết quả.
Tên nhóm là "Hỗ trợ học tập" tuy nhiên việc hỗ trợ bằng cách nào thì chỉ có những thành viên trong nhóm mới biết. Những hình thức "hỗ trợ" phổ biến có thể kể đến như: học hộ, làm bài tập hộ hay thậm chí là thi hộ…Đáng chú ý những dịch vụ như vậy lại thu hút nhiều đến rất nhiều sinh viên tham gia. Đặc biệt, có những hội nhóm, có đến hơn 80 nghìn thành viên tham gia.
Hiện nay, nhiều trường đại học có hình thức học theo tín chỉ. Theo đó, sinh viên phải học đủ số tín chỉ được quy định mới có thể ra trường. Mỗi môn học thường được quy định bằng một số tín chỉ nhất định và có số buổi thực hành và số buổi lý thuyết khác nhau. Nếu nghỉ quá số buổi cho phép, sinh viên có thể phải học lại. Do đó vì nhiều lý do khác nhau mà dịch vụ học hộ, thi hộ ngày càng "đắt khách".
PXT (19 tuổi, sinh viên) có thói quen trốn học, nghỉ học dù không cần thiết phải nghỉ, bạn chia sẻ: "Mình thường nghỉ tối đa số buổi nghỉ học được cho phép dù không cần thiết, nên mỗi khi ốm hoặc thật sự có công việc cần nghỉ, nếu không nhờ được bạn bè đi học, mình đành phải tìm tới các dịch vụ học hộ. Dù chi phí không phải là nhỏ, nhưng còn hơn là phải mất tiền để học lại".
T. cho biết, các dịch vụ học hộ, thi hộ tràn lan trên mạng, "quan trọng là mình có muốn không thôi". Dịch vụ phong phú, giá cả đa dạng vậy nên những người đi thuê có rất nhiều sự lựa chọn. Dịch vụ "đến điểm danh xong về" thường có giá 50 - 100 nghìn đồng, dịch vụ "học đến hết buổi" sẽ có giá từ 150 – 200 nghìn đồng.
Không chỉ học hộ mà, nhiều tài khoản còn ngang nhiên đăng tải nội dung "thuê người thi hộ" với "giá cả thương lượng". Theo đó, môn thi thường được thuê để làm bài là "ngoại ngữ" mà đặc biệt là tiếng Anh. Không chỉ vậy, tiểu luận, bài tập lớn cũng là những nội dung rất "đắt khách". Với những cam đoan đạt đủ số điểm người thuê cần hay thậm chí là cao hơn rất nhiều nên những dịch vụ này ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận.
ĐĐT (18 tuổi, sinh viên) cho biết: "Em cũng đi học hộ nhiều rồi, người ta thuê thì mình làm thôi. Người ta bận người ta thuê, mà em lại rảnh, không có lịch học nên là đi thôi…Việc nhẹ lương cao tội gì mà không làm hả anh?" Theo T, những môn thường được thuê là những môn đại cương hoặc là những môn mà trường nào cũng phải học như Ngoại ngữ… Vì lý do đó mà việc đi học trái trường cũng không phải là trở ngại quá lớn.
Tuy nhiên, T cho biết có không ít người thuê người khác học hộ những môn chuyên ngành, với những môn này việc cần làm chỉ là ngồi im không để cô giáo chú ý tới là được. Khi được hỏi, đi học hộ như vậy thì làm gì trong lớp? T bộc bạch: "Mình để ý giáo viên xem họ có dễ tính hay không, nếu có thì mình ngủ hoặc đi về, nếu không thì ngồi im như những sinh viên bình thường thôi anh…".
"Việc nhẹ lương cao" vì vậy mà rủi ro cũng lớn. Đã không ít lần vì tin người mà T quyết định đi học trước rồi về đợi người thuê thanh toán. Tuy nhiên, công việc thì đã hoàn thành, nhưng người thuê thì "bặt vô âm tín", điều này đồng nghĩa với việc T đã làm việc không công trong suốt khoảng thời gian được thuê ấy.
Nỗi lo bị thầy cô trong lớp phát hiện cũng là một nỗi lo luôn thường trực trong T. T cho biết: "Giai đoạn đầu chưa có kinh nghiệm nên cũng sợ bị phát hiện nhưng về sau học kiến thức cũng có đủ để trả lời các câu hỏi cơ bản nếu bị gọi…" Thậm chí, T còn tinh vi đến mức, tìm hiểu người thuê học hộ có học lực ra sao để điều chỉnh mức kiến thức khi trả lời. Ngoài ra, T cũng có những "bài" để "thoát tội": "nếu bị thầy cô hỏi thì bảo là học sinh bên ban tình nguyện vào kiểm tra tình trạng cũng như chất lượng học tập của sinh viên…"
Ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên và nhà trường
Giảng viên Nguyễn Thị Thu Thủy - giảng viên khoa xây dựng Đảng, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Có lẽ trường nào cũng có tình trạng này. học hộ, điểm danh hộ để lấy điểm chuyên cần, để đủ điều kiện thi hết môn; nhờ người thi hộ để qua môn – nhất là những môn rất khó, ví dụ các môn khoa học tự nhiên ở các Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, hoặc môn Ngoại ngữ ở các Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, kỹ thuật."
Cũng theo cô Thuỷ, lý do nhờ người thi hộ cũng không ít: vì em học chuyên Văn, em cứ tưởng vào trường mình không phải học Toán, ai ngờ phải học Xác suất thống kê. Hoặc: môn Bóng rổ chỉ là môn điều kiện, em không có ý định chơi môn này, nhờ bạn giỏi bóng rổ thi hộ cho qua môn là được. Cũng có bạn thi vài lần không qua môn, học lại tốn tiền quá nên nhờ người thi hộ…
Việc nhờ người học hộ, thi hộ nếu trót lọt, sinh viên có thể nảy sinh tâm lý lười học, ỷ lại. Học đại học là học để làm việc, mỗi môn học trong chương trình đào tạo sẽ có vai trò, có sự đóng góp ở mức độ khác nhau cho công việc sau này. Hãy hình dung sự thiếu hụt một mảng kiến thức, kỹ năng nào đó - giống như thiếu đi một miếng ghép trong bộ ghép hình Lego, có thể nhiều người nghĩ nó không quan trọng, nhưng thiếu mảnh ghép đó có thể ảnh hưởng đến kết cấu, đến khả năng liên kết những mảnh ghép khác khiến hình ghép không hoàn chỉnh. Môn học mà sinh viên nghĩ nó không quan trọng, không cần thiết lại là môn học mà khi thiếu thì không thể làm nghề, không thể giỏi nghề, cô Thủy cho biết thêm.
Cũng theo cô Thuỷ, về phía nhà trường, tình huống nhà tuyển dụng sau này nhìn vào bảng điểm học tập ở trường đại học của ứng viên, bị thuyết phục bởi điểm A của một môn học X nào đó mà họ cho rằng môn X rất cần cho vị trí họ đang muốn tuyển dụng. Nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng ứng viên không hiểu, không làm được – vậy nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì về nhà trường? Nhà trường dễ dãi trong dạy học và kiểm tra, đánh giá? Chất lượng đào tạo của nhà trường kém? Tất nhiên uy tín đào tạo của nhà trường bị ảnh hưởng không nhỏ.
Học hộ, thi hộ chính là một hành vi gian lận cần phải lên án. Đây là sự không công bằng với những sinh viên nghiêm túc, tích cực. Quy chế học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là hành vi bị nghiêm cấm. Trường nào cũng đưa ra những hình thức kỷ luật cụ thể theo từng mức độ vi phạm, số lần vi phạm, nhẹ thì sinh viên bị khiển trách với hành vi đi học hộ, nhờ người đi học hộ lần đầu; nặng thì có thể bị buộc thôi học với trường hợp đi thi hộ, nhờ người thi hộ (tùy vào kỳ thi mà sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ, số lần vi phạm), thậm chí có trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng.
Nguồn: Sưu tầm