Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong việc quản lý xuất nhập cảnh
Chính sách mở rộng cấp visa điện tử và đơn phương miễn thị thực sẽ thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, theo đánh giá của Chính phủ.
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về đề xuất đưa một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, diễn ra tháng 5 tới. Tờ trình do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, thay mặt Chính phủ và thừa ủy quyền Thủ tướng ký.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc này, Chính phủ nêu bối cảnh sau đại dịch, dù các nước đã bắt đầu khôi phục hoạt động nhập cảnh, lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
"Tình hình trên đã hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", theo nhận định của Chính phủ.
Một gia đình du khách nước ngoài tới tham quan TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).
Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam có tăng theo từng tháng nhưng không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Các cơ quan vì thế nhiều lần kiến nghị "nới" chính sách về quản lý xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Vì những chính sách này được quy định trong luật nên thẩm quyền sửa đổi là của Quốc hội, nhưng nếu chờ sửa luật sẽ không thể đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt.
Do đó, Chính phủ đề xuất đưa chính sách mở rộng cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Cụ thể, về chính sách cấp thị thực điện tử, Chính phủ đề xuất chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể. Đồng thời, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Về chính sách đơn phương miễn thị thực, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Đánh giá tác động của các chính sách này, Chính phủ cho biết qua thời gian thí điểm chính sách thị thực điện tử cho thấy việc này góp phần thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Cùng với đó, việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được tạm trú đến 45 ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước được miễn thị thực có thời gian thực hiện các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.
"Việc thực hiện các nội dung này sẽ không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí và nguồn lực của Nhà nước", theo cam kết của Chính phủ.
Nhận định các chính sách mới được đề xuất bổ sung có thể đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài, song Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công an tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với việc đề xuất đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Nguồn: Sưu tầm