Cô gái chia sẻ kinh nghiệm vượt qua cú lừa khi mua hàng online
Ái Long (28 tuổi) đặt mua online một chiếc máy tính bảng, xong sau khi thanh toán, món hàng nhận được là chiếc điện thoại đời cũ.
Cang Nguyễn Ái Long (28 tuổi) là một luật sư, làm việc tại tòa nhà 124, Điện Biên Phủ, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Vì công việc quá bận rộn, Long không thể đến cửa hàng mua sắm trực tiếp, nên hôm 6.7 cô vào một app (ứng dụng) mua sắm để mua máy tính bảng. Thoạt nhìn, cửa hàng này có tên giống với nhãn hiệu cô từng mua nên tin tưởng.
"Bên dưới cửa hàng có đánh giá của người từng mua, xong cửa hàng còn gọi điện thông báo chính sách bảo hành 12 tháng, nhân viên tư vấn rất chuyên nghiệp, nhiệt tình", Long nói và cho biết không có nghi ngờ gì.
Đến hôm 10.7, bên giao hàng gọi điện cho Long nhận hàng và thanh toán. Lúc này, cô thấy gói hàng được bọc kỹ bằng băng keo dính nên không kiểm tra ngay mà mang thẳng lên văn phòng. Sau khi mở hàng, Long không thấy máy tính bảng mà chỉ có mỗi chiếc điện thoại đời cũ cùng nhiều gói xốp, cô gái vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Mở app mua sắm để kiểm tra, Ái Long thấy đơn hàng mình đặt không cập nhật vận chuyển, cô không thể ấn nút trả hàng hay hoàn tiền trên app. Kiểm tra lại túi đựng hàng thì thấy 2 tấm vận đơn khác nhau. Một tấm lớn của bên giao hàng thuộc app mua sắm, tấm nhỏ hơn của đơn vị vận chuyển khác.
"Mình nhờ bạn kiểm tra thì biết tấm vận đơn trên app đặt hàng là giả, còn tấm vận đơn nhỏ mới là thật", Long nói và cho biết đây là mánh khóe lừa đảo mới. Cửa hàng không giao qua đơn vị vận chuyển thuộc app mua sắm mà gửi qua một đơn vị vận chuyển khác, nếu người nhận không tinh mắt sẽ khó phát hiện.
"Lúc này, mình nghĩ đến 2 trường hợp, thứ nhất nếu vì bức xúc gọi đến cửa hàng thì chắc chắn chỉ gọi được 1 lần duy nhất. Chúng sẽ tắt máy, chặn số và ra bưu cục lấy tiền. Đồng thời ấn nút hủy đơn hàng, mình có thể mất đi chứng cứ. Còn trường hợp thứ 2, mình phải nhận diện người đang giữ tiền của mình mới mong lấy lại được tiền, trong trường hợp này chính là anh giao hàng lúc nãy", Ái Long suy luận.
Thế là, Long liên hệ với người giao hàng và nhận được thông tin đã phát thành công đơn hàng, số tiền được nhập lên hệ thống. Việc cần làm lúc này là nhanh chóng gửi chứng cứ, hình ảnh sản phẩm không đúng cho bộ phận chăm sóc khách hàng của đơn vị vận chuyển, mục đích để họ chặn lại giao dịch, không cho bên bán lên bưu cục nhận tiền.
Ái Long cho biết hơn 30 phút kể từ lúc nhận hàng, cô gửi email khiếu nại và nhận được email phản hồi từ đơn vị vận chuyển đơn hàng. Hôm sau Long lên bưu cục nhận tiền đã thanh toán và hoàn trả sản phẩm, không phải chịu cảnh "tiền mất tật mang".
Sau khi đăng tải câu chuyện lên trang cá nhân, Ái Long nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Một số người thừa nhận từng rơi vào hoàn cảnh tương tự và đành "cắn răng" chịu trận, mất tiền không biết kêu ai. Số khác dành lời khen cho sự bình tĩnh, nhanh nhẹn xử lý tình huống của Ái Long.
Tuy nhiên, Long cũng thừa nhận mình đã có thái độ thiếu cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo tinh vi, dàn dựng một cửa hàng giả, sản phẩm giả, vận đơn giả và đơn vị vận chuyển bị đánh tráo.
Qua vụ việc, Ái Long rút ra một số kinh nghiệm khi mua sắm online, như: cần kiểm tra kỹ thông tin về cửa hàng; phải theo dõi đơn hàng trên app mua sắm để biết tình trạng đơn hàng, tránh nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt; chỉ nhận hàng khi có email của sàn thương mại điện tử báo giao hàng.
Dù sản phẩm có giá trị lớn hay nhỏ, người mua nên quay lại video, chụp ảnh sản phẩm. Trong trường hợp xấu, đây sẽ bằng chứng bảo đảm quyền lợi cho bản thân. Khi gửi email khiếu nại nên trình bày súc tích, vào thẳng vấn đề và nên để lại số điện thoại cá nhân để dễ trao đổi.
Nguồn sưu tầm