ĐH Quốc gia Hà Nội chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ
Công tác tuyển sinh sau đại học (SĐH) có nhiều chính sách đổi mới theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, năm 2022, ĐHQGHN cập nhật yêu cầu về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đầu vào, không tổ chức thi tuyển sinh với môn ngoại ngữ như trước. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng thực hiện phương thức xét tuyển bậc thạc sĩ đối với một số đơn vị đào tạo.
Về tổ chức quản lý đào tạo liên kết quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho hay, hiện nay, ĐHQGHN có 09 đơn vị đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo với 24 chương trình đào tạo (CTĐT), trong đó có 09 CTĐT cử nhân và 15 CTĐT thạc sĩ.
Cũng trong năm học qua, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách thu hút người học như: Chương trình học bổng dành cho khối ngành khoa học cơ bản; Học bổng dành cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học…
Năm học 2021-2022, ĐH Quốc gia Hà Nội có 8.002 sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp đại học, 1.483 học viên được nhận bằng thạc sĩ, 223 nghiên cứu sinh được nhân bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đưa ra một số tồn tại, hạn chế mà ĐH Quốc gia Hà Nội cần phải khắc phục trong năm học tới, đó là: Việc chuyển đổi các CTĐT chất lượng cao sang các CTĐT chuẩn theo định mức kinh tế - kỹ thuật đang làm giảm dần quy mô tuyển sinh và đào tạo chất lượng cao; các ngành khoa học cơ bản còn chậm đổi mới; quy mô đào tạo đại học tăng nhanh trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; tỷ lệ tốt nghiệp trung bình mới chỉ đạt 65% và năng lực ngoại ngữ vẫn còn là điểm yếu của nhiều sinh viên; tốc độ kiểm định các chương trình đào tạo còn chậm,…
Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội thống nhất năm học 2022-2023 tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt các hệ tài năng, chất lượng cao và chất lượng đào tạo tiến sỹ.
Thu hút và mở rộng quy mô đào tạo nghiên cứu sinh; Đẩy nhanh kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; Hoàn thiện và triển khai Đề án tổ chức các kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN và Đề án đào tạo học sinh miền Nam; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; Đổi mới cấu trúc nội dung chương trình đào tạo; Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tăng quy mô tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực…
Nguồn: Đại biểu nhân dân.