[ĐHQGHN] Gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh và bền vững
Phát triển đô thị đi kèm với quản trị đô thị nói chung và đô thị thông minh, bền vững nói riêng đang là một xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu thế đó đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị các tri thức, kiến thức hiện đại, phù hợp. Với thế mạnh liên ngành và kinh nghiệm tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ trong lĩnh vực phát triển đô thị, Khoa Các khoa học liên ngành - ĐHQGHN bắt đầu tuyển sinh và đào tạo cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững từ năm 2022.
Xuất phát từ nhu cầu và xu thế phát triển
Quản trị đô thị thông minh nhấn mạnh đến sự đổi mới có tính bền vững hướng đến con người trong môi trường xã hội công nghệ và tri thức. Sự đổi mới đó tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ thông tin thế hệ mới như công nghệ di động, Internet vạn vật, điện toán đám mây, mạng xã hội… cùng các phương pháp tích hợp để đạt được tính toàn diện và nhận thức thấu đáo, tích hợp thông minh và kết nối liên thông băng thông rộng khắp nơi. Việc quản trị thành phố thông minh theo hướng bền vững đặc biệt chú trọng đến việc hình thành một không gian mở và đổi mới, hướng đến sự tham gia của người dân và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra giá trị công và giá trị độc đáo, lấy con người làm trung tâm.
Quản lí đô thị thông minh một cách bền vững dựa trên cơ sở của sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế đô thị, xã hội thông tin minh bạch, an ninh an toàn, người dân sống và làm việc trong hòa bình và cảm thấy hài lòng với môi trường sống.
Xu thế đó đòi hỏi phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận. Để thực hiện được yêu cầu đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị các tri thức, kiến thức hiện đại, phù hợp là điều đầu tiên và cốt yếu. Điều này đặt ra vấn đề xây dựng một chương trình đào tạo (CTĐT) cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, kỹ thuật, công nghệ của đô thị.
Dân số đô thị toàn cầu hiện tại đã chiếm trên 50%. Các đô thị ngày một phình to bởi những cuộc “đại di dân”. Đô thị trở thành động lực, trung tâm phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa của mỗi quốc gia. Quá trình đô thị hóa nhanh diễn ra trên toàn cầu đang đặt ra bài toán lớn cho công tác xây dựng, quản trị, quản lý đô thị. Công tác xây dựng và phát triển đô thị cần một lượng rất lớn nhân lực có kiến thức vững và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin bằng các phương pháp, công cụ mới một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Mặc dù nhu cầu nhân lực quản lý đô thị là rất lớn và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, song khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng.
Chương trình đào tạo liên ngành với chuyên gia đầu ngành
Tại Việt Nam, nhiều trường đại học đã và đang tổ chức các CTĐT nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực đô thị nhưng lực lượng này chủ yếu đang làm việc và nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường lao động về quản lý đô thị thông minh và bền vững.
Một số trường đại học đã triển khai các CTĐT gắn với quản lý đô thị, quy hoạch vùng, kiến trúc đô thị, lâm nghiệp đô thị. Đa số các CTĐT này được thiết kế dưới góc độ quản lý về quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan đô thị. Từ năm 2021, Trường ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã tiên phong mở mới CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững, bước đầu đã thu hút được sự chú ý tích cực của xã hội.
CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững chính thức được tuyển sinh và đào tạo tại Khoa Các khoa học liên ngành từ năm 2022. CTĐT được xây dựng theo hướng tiếp cận liên ngành - một thế mạnh của ĐHQGHN nói chung và Khoa Các khoa học liên ngành nói riêng. Tiếp theo thành công của CTĐT thạc sĩ liên ngành Quản lý phát triển đô thị, việc xây dựng CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững đáp ứng thực tiễn quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh đô thị hóa tại Việt Nam và thế giới, đồng thời góp phần thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của ĐHQGHN - một trung tâm đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Trên thực tế, nhu cầu nhân lực đô thị của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương ngày một cao và các bài toán thực tiễn được đặt ra ngày càng phức tạp, đa chiều. Việc phát triển đô thị gắn với khoa học công nghệ thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là giải pháp thúc đẩy hướng tới phát triển đô thị toàn diện.
Đào tạo về Quản trị đô thị thông minh và bền vững theo hướng tiếp cận liên ngành là hướng đi mới tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững tại Khoa Các khoa học liên ngành được xây dựng với các khối kiến thức trụ cột như: nền tảng cho quản lý phát triển đô thị, các vấn đề quản lý đô thị, nền tảng công nghệ trong quản lý đô thị, công nghệ ứng dụng trong phát triển đô thị bền vững, các kỹ năng và thực hành quản lý phát triển đô thị…
Với những khối kiến thức đó, CTĐT giúp người học không chỉ nắm vững các kiến thức chuyên môn mà còn được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành và phân tích hiện trạng, giúp người học dễ dàng tiếp cận với các vấn đề còn tồn tại về quản trị đô thị, từ đó người học nhanh chóng bắt tay vào công việc sau khi ra trường, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu xã hội.
Giảng viên của CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững là mạng lưới các chuyên gia đầu ngành về đô thị, quản trị và công nghệ, chính quyền đô thị, kỹ thuật đô thị, quy hoạch kiến trúc… Cùng với đó là nền tảng của CTĐT thạc sĩ liên ngành Quản lý phát triển đô thị đã được triển khai đào tạo từ năm 2018 với các môn học cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của đô thị học: Nhân học đô thị, Hệ thống và hình thái đô thị, Hạ tầng dữ liệu không gian trong quản lý phát triển đô thị…
Vị trí việc làm gắn với nhu cầu nhân lực quản lý đô thị thông minh
Năm 2022, Khoa Các khoa học liên ngành tuyển sinh 60 chỉ tiêu cho ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững. Khoa xét tuyển các thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT với các tổ hợp A00, A01, D01, D03, D04. Bên cạnh đó, Khoa cũng xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức, xét tuyển kết hợp các chứng chỉ ngoại ngữ và tổng điểm 02 môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp xét tuyển tương ứng, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi chuẩn hóa SAT, ACT, chứng chỉ Cambridge A-Level và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ĐHQGHN.
Theo học chương trình này, người học có tư duy tổng thể và tiếp cận liên ngành trong các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị, đồng thời có kiến thức nền tảng về đô thị, quản trị, công nghệ thông tin, văn hóa, xã hội cũng như khả năng sử dụng hợp lý các nền tảng công nghệ, phương pháp, công cụ trong quản trị đô thị theo hướng bền vững.
Sinh viên tốt nghiệp CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững có thể làm việc ở cả khối nhà nước, khối tư nhân và khối phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản trị đô thị, phát triển đô thị, công nghệ đô thị, quy hoạch đô thị, dịch vụ đô thị.
Các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận như: Chuyên viên quản trị đô thị; Chuyên viên tư vấn dự án đô thị; Chuyên viên tư vấn thiết kế đô thị thông minh; Chuyên viên quản lý môi trường đô thị; Chuyên viên phân tích dữ liệu đô thị; Chuyên viên quy hoạch đô thị; Chuyên viên nghiên cứu đô thị thông minh và bền vững; Quản lý dự án xây dựng đô thị; Quản lý phát triển đô thị thông minh; Quản lý rủi ro đô thị.
Ngoài ra, sinh viên cũng được trang bị những kiến thức nền tảng để kinh doanh, khởi nghiệp về đô thị và dịch vụ đô thị. Cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững cũng có thể lựa chọn học lên cao học các chuyên ngành phù hợp hay làm nghiên cứu viên, giảng viên tại các viện nghiên cứu, trường đại học về đô thị.
CTĐT cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững đem đến các chiến lược và giải pháp quản lý phát triển tổng thể cho những thực thể đô thị khác nhau, đem đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công bằng và văn minh xã hội ở Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Nguồn: vnu.edu.vn