Điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Thái Nguyên
Đền Đuổm - núi Đuổm; Cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối; Chùa Hang là những điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Thái Nguyên.
Núi Đuổm, xưa gọi là Điểm Sơn, thuộc xã Động Đạt (huyện Phú Lương, Thái Nguyên), là danh lam hiếm có. Từ xa nhìn vào, sáu ngọn núi đá tựa sáu đầu rồng. Riêng ngọn núi ở cực Đông mọc ra một tháp đá chọc thẳng lên trời. Ba núi khác nhô cao giữa cánh đồng, trông xa như những cánh nhạn bay lên. Dưới chân núi Đuổm là đền Đuổm nổi tiếng linh thiêng, được xây dựng năm 1180, là nơi thờ Dương Tự Minh - một vị tướng giỏi người Tày và là phò mã hai đời vua Lý. Khi thác, ngài được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần” và các triều đại về sau truy phong ngài là “Cao Sơn Quý minh Thượng đẳng thần”. Đền có lối kiến trúc kiểu tam cấp cổ truyền gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm với lễ rước kiệu, dâng hương, thi võ, đấu vật, ném lao, tung còn... Di tích lịch sử và thắng cảnh đền Đuổm đã được xếp hạng quốc gia năm 1993.
Cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối
Cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối thuộc xã Tân Thành (huyện Phú Bình), cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn 30km. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý minh Đại vương. Hai ngôi đền nổi tiếng linh thiêng là đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng ngàn Tứ phủ. Cụm di tích này có niên đại từ thời Hậu Lê, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc có giá trị như ngai thờ, nhang án, 5 bát hương gốm cổ, giá văn tế, 23 pho tượng và cây hương đá có niên đại năm 1719, chiêng núm đồng, chuông nhí đồng... Không chỉ có giá trị về văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng, Cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối còn là di tích cách mạng quan trọng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Chùa Hang
Chùa Hang (phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên), tên chữ là Kim Sơn tự, còn được gọi là Tiên Lữ Phật động. Đây là trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên. Chùa Hang sở hữu phong cảnh trữ tình, thơ mộng. Càng vào sâu, hang càng rộng. Trên vòm hang là những nhũ đá khổng lồ. Quanh vách hang, nhiều nhũ đá nhô ra và được thiết kế thành các bệ thờ. Không khí trong hang mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Theo thời gian, chùa Hang được trùng tu và xây dựng thêm, hiện gồm các công trình như chính điện, tam bảo, tam quan, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ tổ... Lễ hội chùa Hang được tổ chức từ ngày 19 - 21 tháng Giêng hằng năm.
Nguồn: Sưu tầm