Diện mạo Hà Nội sau 15 năm sáp nhập (01/08/2008 - 01/08/2023)

15 năm điều chỉnh địa giới hành chính, dân số Hà Nội tăng từ 6,2 triệu lên 8,6 triệu người (gấp 1,37 lần). Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao (gần 6,7%/năm), an sinh xã hội được đảm bảo và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Tháng 8 7, 2023 - 22:22
Tháng mười hai 7, 2023 - 16:02
 0  24
Diện mạo Hà Nội sau 15 năm sáp nhập (01/08/2008 - 01/08/2023)

Tháng 5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.

Theo Nghị quyết, thủ đô bao gồm: Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sau sáp nhập, Hà Nội rộng hơn 3.300 km2 và nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.

An sinh xã hội được đảm bảo

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành uỷ Hà Nội cho biết, từ 2008 đến nay, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Thủ đô đạt nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế Hà Nội giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Thủ đô Hà Nội thời điểm hợp nhất (tháng 8/2008) với dân số 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển, đến nay dân số của Hà Nội khoảng 8,6 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm sáp nhập), có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội tăng thêm một quận và 2 xã. (Ảnh: Hoàng Hà)

Sau sáp nhập, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao (gần 6,7%/năm), bình quân gấp 1,12 lần so với mức tăng chung của cả nước. Năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động, gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động).

Ngành du lịch của TP Hà Nội được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong nhóm 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hà Nội đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến trên thế giới.

Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu người, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu người. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt (tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái).

Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 11,04%. Thành phố triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…

Sau sáp nhập, an sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội được nâng cao. Thành phố đã triển khai 4 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng. Từ năm 2008, không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.

Khởi công Vành đai 5 trước 2027

Định hướng thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ làm trục xuyên suốt; ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ - sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác được Vành đai 4 trước năm 2027.

TP Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể trọng dụng nhân tài. Phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị; phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có từ 3 - 5 huyện phát triển thành quận, trong đó có Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Trì. Đến năm 2030, sẽ có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.

Theo báo vietnamnet.vn