Đại học Quốc gia Hà Nội có khoảng 800 thí sinh dự thi Olympic THPT
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức cho biết Olympic VNU là kỳ thi chọn học sinh giỏi, bổ sung nguồn đầu vào chất lượng cao cho các chương trình đào tạo bậc đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh làm bài thi. (Nguồn: VNU)
Trong hai ngày 7-8/1, tại Hà Nội, gần 800 thí sinh đến từ 81 đội tuyển học sinh giỏi do các trường Trung học phổ thông trên toàn quốc thành lập đã tham dự kỳ thi Olympic bậc Trung học phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội (Olympic VNU) năm học 2022-2023.
Đây là năm thứ hai Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi dành cho học sinh Trung học phổ thông trong toàn quốc nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi.
Cuộc thi cũng tạo cơ hội cọ sát, học hỏi, nâng cao chất lượng giảng dạy bậc Trung học phổ thông, đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng và tạo cơ hội cho học sinh giỏi được xét tuyển thẳng vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
So với lần tổ chức đầu tiên (năm học 2021-2022) với 54 trường tham dự, năm nay, số lượng trường tham gia thi lên tới 81 trường trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều đoàn đến từ tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh.
Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trường Đại học Ngoại ngữ chủ trì thi các môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn Quốc).
Trường Đại học Giáo dục phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức thi môn Địa lý và Bài thi Khoa học Kỹ thuật. Các môn Ngữ văn, Lịch sử do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Giáo dục tổ chức thi.
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi, cho biết đây là kỳ thi chọn học sinh giỏi, lựa chọn nhân tài, bổ sung nguồn đầu vào chất lượng cao cho các chương trình đào tạo bậc đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
[ĐH Quốc gia Hà Nội thay đổi lệ phí và chế tài thi đánh giá năng lực]
Kỳ thi góp phần nâng cao vị thế, ảnh hưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường Trung học phổ thông và thí sinh trong toàn quốc. Các nội dung thi nằm trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trường Trung học phổ thông chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn.
Đánh giá về mức độ của đề thi năm nay, Ban chỉ đạo, nhiều chuyên gia và các thầy cô giáo, thí sinh chia sẻ đề có độ phân hóa rõ rệt, chất lượng cao, kiến thức tổng hợp trong chương trình Trung học phổ thông và những kiến thức xã hội khác, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tổng hợp tốt mới thực sự làm tốt đề.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi, đánh giá kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định và hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, ra đề, coi thi, chấm thi, lên điểm thi, giám sát, thanh tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Công tác an ninh, y tế, hậu cần, cơ sở vật chất được thực hiện chu đáo, nghiêm túc.
Về công tác đề thi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Hội đồng soạn thảo đề thi với sự tham gia của Ban Đào tạo và một số thành viên ngoài đơn vị tổ chức đào tạo để đảm bảo tính khách quan.
Theo Quyết định số 4412/QĐ-ĐHQGHN ngày 31/12/2021 về cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc Trung học phổ thông và bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, học sinh đoạt giải trong kỳ thi trên và đã tốt nghiệp Trung học phổ thông được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học thành viên, trường và khoa trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Học sinh đoạt giải trong các năm học ở bậc Trung học phổ thông nhưng chưa tốt nghiệp được bảo lưu kết quả đến hết năm lớp 12./.