Định hướng quy hoạch 7 khu vực chức năng chính của đô thị vệ tinh Hòa Lạc
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch chung. Đây là dấu mốc quan trọng để Hà Nội triển khai xây dựng phát triển đô thị vệ tinh lớn nhất, trong số 5 đô thị vệ tinh, nhằm giảm áp lực quá tải cho khu vực đô thị trung tâm. Tuy nhiên, để tạo đà cho đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển nhanh, sớm thực hiện được “sứ mệnh” rất cần đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng khung.
Chưa hình thành hạ tầng khung
Theo định hướng quy hoạch, đô thị Hòa Lạc được phân thành 7 khu vực chức năng chính gồm: Khu Đại học Quốc gia Hà Nội; Khu Công nghệ cao; Khu vực đô thị sinh thái; Khu vực đô thị Phú Cát - Hòa Thạch; Khu vực sân bay Hòa Lạc; Khu vực nông nghiệp; Khu vực Viên Nam. Các khu vực này được phân chia và xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh, trục Hồ Tây – Ba Vì.
Hiện tại, đô thị Hòa Lạc vẫn đang trong quá trình xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Trong đó, Khu Công nghệ cao được quy hoạch trên diện tích khoảng 1.350ha đang là nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất. Hiện khu vực này đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư như Vingroup, FPT, Viettel, VNPT, Videc… Khu Đại học Quốc gia Hà Nội mới chỉ có lác đác vài công trình và vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu của quy hoạch. Còn tại các khu vực khác, hầu hết vẫn đang là những khoảng đất đai rộng lớn chưa có dấu hiệu được triển khai.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, tại đô thị Hòa Lạc hiện nay mới hình thành các tuyến đường nội bộ thuộc các dự án Khu Công nghệ cao, Khu Đại học quốc gia và các khu của quân đội. Còn lại các công trình hạ tầng khung chính, nối các khu chức năng hầu như chưa có gì. Bên cạnh đó, giao thông kết nối với đô thị trung tâm mới chỉ có duy nhất tuyến đại lộ Thăng Long.
Do hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển hoàn thiện nên việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ Hòa Lạc cũng chưa thực sự sôi động. Tính đến đến tháng 6/2020, nơi đây có 94 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, một con số khá khiêm tốn so với một khu công nghệ cao tầm cỡ quốc gia.
Bảo đảm sự kết nối
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, trong số 5 đô thị vệ tinh, Hòa Lạc là cực động lực phát triển nhất của Hà Nội và vùng Thủ đô. Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là căn cứ để Hà Nội xúc tiến kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án, hình thành đô thị vệ tinh đầu tiên trong chùm đô thị theo quy hoạch. Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để đô thị Hòa Lạc phát triển là hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi giữa các khu chức năng trong đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm.
Theo định hướng quy hoạch, hệ thống giao thông tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển hiện đại, bao gồm mạng lưới các tuyến đường vành đai và đường chính đô thị, được gắn kết bởi mạng lưới giao thông công cộng là chủ yếu, với các làn riêng cho City Bus, BRT, Metro, xe đạp, các phương tiện thân thiện với môi trường khác. Trong đó, các tuyến vành đai đối ngoại gồm tuyến đường Hồ Chí Minh qua TP Hà Nội, đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đường sắt nội vùng Hà Nội - Hòa Bình. Các tuyến giao thông đô thị gồm tuyến đường sắt đô thị số 5, tuyến đường sắt nối các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, cao tốc Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21, đường Hồ Tây - Ba Vì… Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường này đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, điển hình là dự án đường sắt trên cao Văn Cao - Hòa Lạc, do Tập đoàn Vingroup đấu thầu sẽ được khởi công vào cuối năm nay.
Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Vinh cho rằng, kinh nghiệm của các nước trong xây dựng các đô thị vệ tinh và cơ cấu hạ tầng khung để kết nối với các TP trung tâm là những bài học để chúng ta xem xét, tham khảo đối với Hà Nội. Đó là sự kết nối giữa đô thị vệ tinh với TP trung tâm phải thông qua một hệ thống giao thông hoàn chỉnh như đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị. Đây là những tuyến đường trục giao thông quan trọng, nếu thiếu nó thì sự kết nối không thành công. “Hệ thống hạ tầng khung giao thông kết nối, tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được định hướng rõ ràng trong bản quy hoạch chung. Để triển khai cụ thể hóa nhằm thu hút đầu tư, tạo ra sự hấp dẫn dân cư từ vùng đô thị trung tâm chuyển đến sinh sống, TP Hà Nội phải có chiến lược xác định với những kế hoạch khả thi về tài chính. Để có được nguồn kinh phí to lớn đó phải huy động từ nhiều nguồn như ngân sách của TP, huy động các thành phần tư nhân và sự đầu tư của Chính phủ” - PGS.TS Vũ Thị Vinh nhìn nhận.
Nguồn: kinhtedothi.vn