“Dòng chảy kết nối” - Triển lãm nghệ thuật đầu tiên của ĐHQGHN tại Hoà Lạc
Chiều 8/12/2023, tại không gian HT2 của ĐHQGHN, Hòa Lạc, Khoa các Khoa học Liên ngành, ĐHQGHN tổ chức khai mạc triển lãm nghệ thuật “Dòng chảy kết nối” - “Connection flow” Art Exhibition.
Là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về ĐHQGHN, “Dòng chảy kết nối” ghi dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Khoa Các khoa học liên ngành nói riêng và định hướng phát triển liên ngành & nghệ thuật dựa trên nền tảng truyền thống liên ngành, xuyên ngành của ĐHQGHN nói chung.
Triển lãm là một hoạt động cụ thể kỷ niệm 117 năm truyền thống ĐHQGHN, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày ký quyết thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương 1924-2024, mảnh ghép cuối cùng trong hệ sinh thái đa ngành của các trường thuộc Đại học Đông Dương xưa và cũng là mảnh ghép trong cơ cấu đa ngành của ĐHQGHN sau 30 năm phát triển.
Lấy ý tưởng kết nối với dòng chảy lịch sử từ Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương, ra đời vào đầu thế kỷ XX, triển lãm nghệ thuật này đánh dấu sự hồi sinh của truyền thống giáo dục khai phóng và liên ngành về nghệ thuật trong ĐHQGHN. Ba chương trình đào tạo chính của Trường Mỹ thuật Đông Dương với tầm nhìn đa ngành, trong các ban mỹ thuật, ban kiến trúc và ban nghệ thuật ứng dụng đã được nối tiếp với đội ngũ các giảng viên/nghệ sĩ đến từ Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN), ĐHQGHN trong 3 lĩnh vực: nghệ thuật thị giác, thiết kế sáng tạo, kiến trúc và thiết kế cảnh quan.
"Dòng chảy kết nối" – là một dòng chảy mang theo sự khao khát của các giảng viên/nghệ sĩ của Khoa CKHLN, cùng nhau dệt nên một câu chuyện kỳ diệu về sự hồi sinh – kết nối di sản trong nhịp đập của nghệ thuật đương đại. Đó cũng là sự tôn vinh tính liên ngành cũng như mối liên hệ không thể tách rời giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa mỹ thuật hàn lâm và mỹ thuật ứng dụng.
Các tác giả tham gia trong triển lãm này không chỉ là những giảng viên, mà còn là những người thực hành sáng tạo chuyên nghiệp trong các lĩnh vực nghệ thuật. Triển lãm là những lát cắt, những nét chấm phá giới thiệu đời sống thực hành nghệ thuật thường nhật của các tác giả. Các chất liệu và phương tiện nghệ thuật xuất hiện trong triển lãm lần này rất đa dạng, từ những chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, điêu khắc, tranh in, thư pháp… cho tới các chất liệu đa phương tiện như nhiếp ảnh, nhiếp ảnh phù điêu, video art, sắp đặt… Cùng với đó các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng như thiết kế thời trang, thiết kế đồ hoạ số, cho tới thiết kế nội thất, kiến trúc cũng cùng xuất hiện đan xen tương tác với nhau trong một không gian triển lãm mở, được lên ý tưởng thiết kế hoàn toàn ngẫu hứng.
Chủ nhiệm Khoa CKHLN Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh, “Dòng chảy kết nối” là triển lãm nghệ thuật đầu tiên do Khoa tổ chức, chính thức khẳng định vị trí của một cơ sở đào tạo và nghiên cứu về sáng tạo nghệ thuật trong lòng ĐHQGHN. Gửi gắm qua tên gọi của triển lãm, những người tổ chức hy vọng rằng, triển lãm nghệ thuật nhỏ này sẽ là sự khởi đầu cho những kết nối và hội tụ, góp phần tạo nên không gian giáo dục sáng tạo và nghệ thuật liên ngành tại Khoa CKHLN, ĐHQGHN.
Đó là sự kết nối của những chuyên gia, nghệ sĩ, người đào tạo nghệ thuật đầy nhiệt huyết từ nhiều môi trường giáo dục đa dạng đã lựa chọn Đại học Quốc gia Hà Nôi như là một điểm đến để kiến tạo một hệ sinh thái sáng tạo nghệ thuật mới; là sự kết nối giữa nhiều lĩnh vực sáng tạo: mỹ thuật, kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng; nhằm hướng tới một triết lý sáng tạo nghệ thuật có khả năng kết hợp giữa giá trị thẩm mỹ hàn lâm và năng lực ứng dụng hiện đại.
Phát biểu tại Triển lãm, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ sự ấn tượng về không gian nghệ thuật trưng bày, sắp đặt, bày trí các tác phẩm nghệ thuật của chính các giảng viên - nhà khoa học - hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế thời trang của Khoa CKHLN. Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, đây là triển lãm nghệ thuật đầu tiên của ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Trong định hướng phát triển gắn với đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc, ĐHQGHN đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm về văn hóa nghệ thuật gắn với công nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ dành riêng cho ĐHQGHN, Việt Nam mà sẽ là điểm đến mang tầm quốc tế.
Trong thời gian tới, ĐHQGHN tập trung để phát triển Khoa CKHLN thành Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, để cung ứng nguồn nhân lực cao cho doanh nghiệp và xã hội. Đây cũng là tiền đề phát triển được những giá trị đô thị của ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Chia sẻ về ý tưởng của Triển lãm, Họa sĩ - Giám tuyển độc lập - Giảng viên Khoa CKHLN Nguyễn Thế Sơn cho biết: đây là không gian nghệ thuật mang tính liên ngành, nghệ thuật đa dạng, giúp người học và đội ngũ giảng viên của Khoa có nhiều trải nghiệm về nền công nghiệp văn hóa nghệ thuật. Triển lãm là không gian nghệ thuật đầu tiên tại ĐHQGHN, dựa trên kết nối truyền thống của Đại học Đông Dương, mỹ thuật kiến trúc và thiết kế ứng dụng. Không gian nghệ thuật đa dạng này sẽ mang lại cảm xúc đặc biệt cho sinh viên học tại khoa, giúp sinh viên sớm có mường tượng về vai trò nghệ thuật của cuộc sống.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng khởi nguồn cho một khát vọng kết nối giữa truyền thống giáo dục nghệ thuật trong quá khứ từ Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương ra đời đầu thế kỷ XX với sự hồi sinh của truyền thống giáo dục khai phóng và liên ngành về nghệ thuật trong Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay.
Thông qua “Dòng chảy kết nối”, những người tổ chức cũng muốn gợi mở những sự liên hệ và đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và biến đổi, giữa khoa học và nghệ thuật, giữa định hướng chuyên ngành và liên ngành trong quá trình đào tạo và nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật tại Khoa CKHLN nói riêng và sự phát triển của ĐHQGHN nói chung.
Chia sẻ những cảm xúc của mình tại triển lãm, nhiều sinh viên đang học tập tại ĐHQGHN bày tỏ ngạc nhiên về vẻ đẹp đa chiều của triển lãm. Là sinh viên ngành học liên quan nghệ thuật, sáng tạo việc được tham gia các cuộc triển lãm, được giao lưu gặp gỡ nhiều họa sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành giúp sinh viên Khoa CKHLN học hỏi được nhiều điều để áp dụng vào công việc sau này như: học được cách tổ chức triển lãm, bày trí tác phẩm, một số chất liệu mới và các bố cục trong tranh. Không chỉ trải nghiệm về thời trang mà còn được biết thêm về hội hoạ, đồ hoạ, kiến trúc. Thông qua triển lãm sinh viên đã tìm ra những tông màu mới để phục vụ cho việc học và nghiên cứu trong ngành thời trang giúp bản thân có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới.
Các sinh viên đều bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Khoa mở thêm nhiều triển lãm để sinh viên các ngành nghệ thuật có thêm nhiều kiến thức thực tiễn.