Đường Hạnh Phúc Hà Giang – sản phẩm trải nghiệm mới cho du khách
(Tạp chí Du lịch) Quốc lộ 4C còn được gọi là đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với 4 huyện miền núi Cao nguyên đá Đồng Văn gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc với chiều dài 185km. Đường Hạnh phúc là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây - Đông Bắc, là điểm du lịch hấp dẫn, hội tụ những tinh hoa, vẻ đẹp, sự hùng vĩ ở vùng cực Bắc của Tổ quốc.
Trải nghiệm trên con đường Hạnh Phúc
Hành trình khám phá con đường Hạnh Phúc trong tour du lịch “Đường Hạnh Phúc - con đường Máu và Hoa” do Hiệp hội Du lịch (HHDL) Hà Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Cao nguyên đá nghiên cứu, khảo sát và đã công bố. Du khách lần lượt có những khám phá, trải nghiệm qua những địa danh lịch sử ghi đậm dấu ấn về con đường Hạnh Phúc với biết bao công sức, sự hy sinh của hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc ở Hà Giang và 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định. Trải qua 6 năm, từ 1959-1965, những con người huyền thoại ấy, bằng sức mạnh của đôi bàn tay, đã làm nên con đường lịch sử, được Bác Hồ đặt tên là con đường Hạnh Phúc, cùng những địa danh tạo nên thương hiệu cho du lịch Hà Giang.
Sau khi dừng chân thắp hương tưởng niệm, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa Trang quốc gia Vị Xuyên, du khách tập trung xuất phát ở điểm đầu là Cầu Gạc Đì (TP. Hà Giang). Theo hành trình khám phá, đi trên con đường Hạnh Phúc năm xưa, nay được trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn bên sườn núi. Du khách lần lượt được ngắm nhìn cảnh đẹp, sự hùng vĩ, nét văn hóa đặc trưng của bốn huyện vùng cao Hà Giang nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Cổng trời Quản Bạ là nơi săn mây đẹp nhất Hà Giang. Du khách có thể chụp ảnh về núi đôi Quản Bạ một tuyệt tác của thiên nhiên, khám phá về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông xã Lùng Tám. Điểm dừng ở huyện Yên Minh là Nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong - là nơi yên nghỉ của 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong quá trình làm đường - được xây dựng ngay sau khi đường Hạnh Phúc hoàn thành ngày 20/3/1965.
Vượt qua những cung đường ngằn nghèo, những thung lũng ngô xanh mướt, những nương hoa tam giác mạch nhiều sắc màu, du khách có thể chụp ảnh về cảnh đẹp của những đèo, dốc như dốc Chín Khoanh, dốc Thẩm Mã, đèo Mậu Duệ… Và tiêu biểu nhất là đèo Mã Pì Lèng - một trong những cung đường hiểm trở nhất Tây Bắc. Khi đi trên con đường Hạnh Phúc, đứng trên đỉnh núi Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200m, được ngắm nhìn toàn thể Cao nguyên đá Đồng Văn, nhìn xuống dòng sông Nho Quế xanh thẳm uốn lượn như một dải lụa dưới vực sâu... Một cảm giác thiêng liêng, trân trọng, biết ơn các thế hệ thanh niên xung phong đã mở đường như bùng cháy, lòng càng thêm yêu người dân bản xứ, thêm yêu Tổ quốc Việt Nam. Trong hành trình, đoạn qua đèo Mã Pì Lèng, du khách có thể xuống thuyền ngắm cảnh trên dòng sông Nho Quế và hẻm vực Tu Sản, lại càng thấy sự hùng vĩ của con đường Hạnh Phúc.
Đến huyện Đồng Văn, du khách sẽ được khám phá những địa danh du lịch bản địa nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Di tích kiến trúc - nghệ thuật khu Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú... Một trong số điểm nhấn là làng văn hóa Lũng Cẩm với nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông; nơi đây còn có ngôi nhà cổ đã được chọn làm bối cảnh trong phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”. Đặc biệt, khi du khách đến Hà Giang vào mùa xuân (tháng 12 đến tháng 4) và mùa thu (tháng 9 đến tháng 11) hàng năm sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp của hoa tam giác mạch, nở rộ khoe sắc hồng khắp các triền núi, thung lũng. Mùa xuân, du khách còn được ngắm nhìn cảnh sắc núi rừng với hoa đào, hoa mơ, hoa mận điểm xuyết thêm nét đẹp dịu dàng của hoa cải. Điểm cuối của hành trình là km số 0 tại trung tâm huyện Mèo Vạc. Đến đây, du khách có thể khám phá, thưởng thức nét văn hóa, ẩm thực độc đáo dân tộc Mông. Càng không thể thiếu là những sản phẩm chế biến từ hoa tam giác mạch như rượu, bánh tam giác mạch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi. Vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách còn có thể đến khám phá, trải nghiệm tại chợ tình Khau Vai một nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào Hà Giang nói riêng, Tây Bắc nói chung.
Điểm nhấn trong tour du lịch “Đường Hạnh Phúc - con đường Máu và Hoa” chính là chinh phục vách đá trắng ở độ cao 1.700m, còn gọi là vách đá thần trên đèo Mã Pì Lèng. Vách đá dài khoảng 200m, được hình thành bởi sự đứt gãy địa chất, tạo nên các thớ đá xếp chồng lên nhau, đan xen là những tảng đá ghồ ghề, những nhũ đá với nhiều hình dáng, tạo nên cảnh quan rất đẹp. Điểm đầu của vách đá trắng có đường dẫn lên phía trên lòng vách đá, ở đây có khoảng không rộng, bằng phẳng, có thể cắm trại, ngồi thư giãn, chụp ảnh. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh đèo Mã Pì Lèng, thấy hình ảnh đẹp và sự hùng vĩ núi non trập trùng, đan xen là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông ở lưng chừng núi. Phía dưới là dòng sông Nho Quế nước xanh ngắt, uốn lượn, ẩn hiện như xẻ đôi cả đồi núi. Đường chính phục vách đá trắng nằm giữa xã Pải Lũng và Pả Vi, xuất phát từ Tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc. Đoạn đường du khách phải chinh phục khoảng 7km, trong đó 3km có thể đi xe máy, còn lại 4km là đường mòn ngoằn nghèo, một bên là vực sâu, một bên là vách núi cao, có đoạn hẹp chỉ vừa 1 người di chuyển. Trên đường đi có “mỏm đá sống ảo”, dãy núi hình sống mũi khủng long cho du khách “check-in”. Đường dẫn vào vách đá trắng trước đây là con đường mòn để người dân đi qua, cũng chính là con đường mà ngày xưa Vua Mèo thường đi ngựa, qua lại, dừng chân nghỉ ngơi. Từ xa khách đã nhìn thấy vách đá trắng thẳng đứng, nổi bật giữa màu xanh rừng núi. Vách đá trắng không chỉ là cảnh quan kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng mà còn gắn liền với truyền thuyết tình yêu vợ chồng chung thủy, son sắt của người bản địa. Vách đá trắng rất linh thiêng vào dịp lễ, Tết nguyên đán, người dân bản địa thường đến đây đặt lễ để tỏ lòng biết ơn.
Chia sẻ khi tham gia tour trải nghiệm, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022 Nông Thúy Hằng cho biết: “Là người con của đất Hà Giang, tôi thấy việc tổ chức tour du lịch này rất độc đáo, hết sức có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống, giúp cho du khách, nhất là các bạn trẻ có những khám phá, trải nghiệm đặc biệt với những dấu ấn khó quên. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp, sự hùng vĩ của núi non ở Cao nguyên đá, mà còn hiểu được sâu hơn về con đường Hạnh Phúc, thấy được sự đóng góp, hy sinh của các thế hệ đi trước để làm nên một con đường huyền thoại. Qua thực tế, càng giúp mỗi người thấy được giá trị, ý nghĩa của con đường và càng cần có trách nhiệm hơn với các thế hệ đi trước”.
Để sản phẩm ngày càng hoàn thiện
Các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đánh giá Hà Giang là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế biết nhiều bởi có núi non hùng vĩ, nhiều cảnh đẹp; có Cao nguyên đá Đồng Văn cùng sự rực rỡ sắc màu của hoa Tam giác mạch; là nơi bản sắc độc đáo của cộng đồng các dân tộc vẫn được bảo tồn. Các doanh nghiệp cho rằng, đến Hà Giang du khách còn được thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc, nhất là các sản phẩm được chế biến từ hoa tam giác mạch. Việc nghiên cứu, tổ chức tour du lịch “Đường Hạnh Phúc - con đường Máu và Hoa” tạo nên thêm một sản phẩm du lịch mới cho Hà Giang, giúp cho du khách có những khám phá, trải nghiệm mới về Hà Giang, hiểu sâu hơn về con đường Hạnh Phúc, con đường huyền thoại được tạo nên bằng sức người. Đồng thời, cũng cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ để tour du lịch hấp dẫn hơn, an toàn, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách.
Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bảo An Lê Văn Quảng, các tour du lịch đến Hà Giang, nhất là tour khám phá Cao nguyên đá và hoa Tam giác mạch, rất phù hợp với những đoàn khách trẻ, những người ưa khám phá, thích mạo hiểm. “Tuy nhiên, hành trình khám phá vách đá trắng cần có thêm bảng giới thiệu chung về hành trình ở điểm xuất phát; xây dựng khu vệ sinh dành cho khách, đặt các thùng rác và thường xuyên phát quang cỏ hai bên đường đi; bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhất là vào mùa mưa; tạo những điểm chụp ảnh cho khách trên tuyến đường đi. Cần có giải pháp nâng cấp, tạo tuyến đi bộ an toàn dành cho khách leo lên điểm đầu của vách đá trắng để nghỉ ngơi, ngắm nhìn, chụp ảnh toàn cảnh không gian con đường Hạnh Phúc” - ông Lê Văn Quảng kiến nghị.
Cùng quan điểm, Trưởng phòng kinh doanh Vietfoot Travel Nguyễn Ngọc Long cho rằng hành trình chinh phục vách đá trắng rất phù hợp với các bạn trẻ, khách ưa thích thể thao, mạo hiểm. Tuy nhiên, để hấp dẫn hơn, nên quan tâm cải tạo, nâng cấp điểm dừng ở điểm đầu lên vách đá trắng đảm bảo an toàn hơn. Nên chuẩn bị hướng, tuyến khám phá vách đá trắng cho từng đối tượng khách vì tuyến đi bộ, leo núi hơi dài. Hà Giang cũng cần làm tốt công tác quy hoạch, làm cơ sở lưu trú không làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, không gian xanh rất đẹp của Hà Giang.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Du lịch Cầu Vồng Đào Mai Hương đánh giá cao tính sáng tạo, hấp dẫn của tour du lịch mới “Đường Hạnh phúc - con đường Máu và Hoa”. Bà Đào Mai Hương cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu, có sự chọn lọc, quảng bá tour theo trọng điểm cho từng đối tượng khách, dòng khách cụ thể. “Để hoàn thiện hơn, cần đào tạo và bố trí đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm. Tại các điểm đến cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, tránh bê tông hóa các khu phố cổ, bản làng của đồng bào dân tộc. Cần có sự hỗ trợ của chính quyền, sự đồng lòng người dân trong việc sắp xếp, bố trí, tạo không gian đẹp cho du khách đến tìm hiểu, chụp ảnh ở ngôi nhà cổ trong bối cảnh phim “Chuyện của Pao” ở làng văn hóa Lũng Cẩm” - bà Đào Mai Hương nhấn mạnh.
Từ thực tế khảo sát của các doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch HHDL Hà Giang Lại Quốc Tĩnh cho biết, thời gian tới, HHDL Hà Giang sẽ phối hợp với chính quyền và các đơn vị liên quan, nghiên cứu, xây dựng phương án, khắc phục những tồn tại của các sản phẩm du lịch Hà Giang, trong đó tour du lịch mới “Đường Hạnh Phúc - con đường Máu và Hoa”. Ông Lại Quốc Tĩnh đồng thời khẳng định HHDL Hà Giang sẽ nghiên cứu, xây dựng thêm các sản phẩm mới như đi bộ, chèo thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế; kết nối cùng các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương tăng cường công tác quảng bá để sản phẩm đến gần hơn với du khách.
Nguồn sưu tầm!
THAM KHẢO CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH KHÁC: