Giá đất sắp sát thị trường?
Việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện thí điểm trước.
Chính phủ mới đây ban hành Nghị quyết 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 6/5 và thực hiện đến khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Đồng thời, UBND huyện cũng được thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.
UBND cấp huyện được ủy quyền quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (Ảnh minh họa: Hà Phong).
PSG.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất là việc nên làm và đáng làm. Đó là bước đi trước, triển khai tinh thần Luật Đất đai mới chúng ta đang góp ý bổ sung, sửa đổi.
Theo ông Thịnh, khi UBND huyện là đơn vị đưa ra quyết định thẩm định, đưa ra giá đất, chủ trì đền bù về giải phóng mặt bằng sẽ thể hiện được sát hơn, đúng với thị trường, gần gũi với hơi thở cuộc sống hơn. Từ đó, người dân dễ dàng tiếp nhận hơn.
"Việc định giá đất phù hợp với giá thị trường sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng nhanh hơn, đỡ tốn thời gian của chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng khi cần thu hồi đất đai", ông Thịnh nêu.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, ủy quyền cho UBND cấp huyện làm giảm tải cho UBND cấp tỉnh. Đồng thời, việc cũng làm nâng cao vị trí UBND cấp huyện trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đất đai, gần người dân hơn.
"Việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất làm thay đổi cách quản lý, hoạt động của UBND cấp tỉnh. Trước đây, UBND tỉnh là người trực tiếp quyết định giá cả, nhưng bây giờ, trách nhiệm của tỉnh là thẩm định, công bố giá cả, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Vị trí, vai trò của UBND cấp tỉnh đã thay đổi trong việc này", ông Thịnh phân tích.
Bên cạnh những tích cực của quy định mới này, theo ông, UBND huyện chưa làm việc này cho nên họ thiếu kinh nghiệm, thiếu khả năng tổ chức hoạt động, cũng như thiếu năng lực cũng như thẩm định và quyết định giá.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - cũng đồng tình với việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể. Theo ông, UBND cấp huyện quyết định giá đất sẽ sát với thực tế, giảm khiếu kiện trong vấn đề thu hồi đất đai và giải phóng mặt bằng.
"Thực tế, việc thu hồi đất tại một số dự án, trường hợp cá nhân cũng được UBND cấp huyện tiến hành. Theo quy định mới, UBND huyện được ủy quyền quyết định giá đất cũng là việc làm phù hợp, sát dân, nghe được tiếng nói của người dân tốt hơn", luật sư Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ông băn khoăn Nghị quyết 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất yêu cầu, phải chuẩn bị đầy đủ về tài chính, nguồn nhân lực, tạo điều kiện khác để UBND huyện thực hiện quyết định giá đất được ủy quyền. Do đó, để làm việc này, cần có thời gian và cần có thí điểm nhất định ở một số địa phương đảm bảo được nhân lực.
Cũng chia sẻ về quy định mới này, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc ủy quyền cho UBND cấp huyện định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Tuy nhiên, cần phải quan tâm xem thực chất các dự án hiện đang ách tắc cụ thể về cái gì trong việc định giá đất.
Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai. Đơn cử, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án); nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; về đền bù và giải phóng mặt bằng; về giao đất, cho thuê đất dự án đối ứng BT.
Nguồn: Báo Dân trí