Giải pháp cho thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng yêu thích

Các trường ĐH bắt đầu đón thí sinh đến trường làm thủ tục nhập học. Thực tế vẫn có những trường hợp trúng tuyển vào nguyện vọng chưa thực sự mong muốn. Trong tình huống này, thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa các lựa chọn.

Tháng 8 26, 2023 - 17:54
Tháng 8 26, 2023 - 18:37
 0  6
Giải pháp cho thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng yêu thích

Hướng dẫn các thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

NHẬT THỊNH

Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Điểm chuẩn các trường và cơ hội nào cho thí sinh?" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (25.8). Chương trình được phát trực tiếp trên các nền tảng: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên.

Những quy định riêng của đợt xét tuyển bổ sung

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết theo quy chế của Bộ GD-ĐT, trường dự kiến xét tuyển bổ sung một số ngành khối công nghệ kỹ thuật và môi trường. "Riêng khối ngành sức khỏe, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ quyết định có xét tuyển bổ sung hay không sau thời điểm thí sinh (TS) hoàn tất xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 8.9", tiến sĩ Hải cho hay.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết điểm xét tuyển đợt bổ sung phải bằng từ điểm chuẩn đợt 1 trở lên. Do đó, khi có điểm thi bằng với điểm chuẩn đợt 1, TS mới chỉ đạt yêu cầu nộp hồ sơ. Điểm chuẩn chính thức sẽ phụ thuộc vào số lượng TS đăng ký so với chỉ tiêu cần tuyển từng ngành. Ngoài ra, đợt xét bổ sung TS đăng ký theo các kênh của từng trường mà không qua hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Do đó, TS cần xem thông tin cụ thể và nộp hồ sơ theo quy định riêng từng trường.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết TS chưa trúng tuyển có thể lựa chọn hướng đi khác như học CĐ, học nghề. Những TS đến thời điểm này vẫn mong muốn theo học bậc ĐH thì vẫn còn cơ hội ở một số trường ĐH còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chỉ xét tuyển bổ sung theo phương thức học bạ đợt cuối cùng đến hết ngày 10.9.

Các chuyên gia tham gia tư vấn cho thí sinh nhiều lời khuyên cần thiết trong giai đoạn làm hồ sơ nhập học

LÊ THANH HẢI

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho biết trường đang tiếp tục xét bổ sung đợt 2 cho các ngành. Một số ngành nhiều TS quan tâm vẫn còn chỉ tiêu xét bổ sung như: công nghệ thông tin, khối ngành ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các ngành mới mở TS ít biết thông tin hiện còn khá nhiều chỉ tiêu như: quản trị khách sạn, thương mại điện tử.

Thạc sĩ Bình lưu ý: "Khi tham gia xét tuyển bổ sung, TS cần tìm hiểu kỹ để biết những trường và ngành nào còn tuyển, cách thức và điểm nhận hồ sơ. Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM hiện vẫn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung theo 3 phương thức: xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực".

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng thông tin trường hiện vẫn xét bổ sung nhiều ngành. Trong đó, một số ngành nhiều TS quan tâm như: khoa học máy tính, tâm lý, ngôn ngữ Anh, Đông phương học…

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng TS chưa trúng tuyển đợt 1 có thể tận dụng phương thức xét học bạ của các trường. Như Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hiện đang nhận hồ sơ phương thức này đến hết ngày 12.9. Chỉ tiêu xét bổ sung tùy từng ngành, trong đó số lượng tuyển còn nhiều ở các ngành như: kinh tế quản trị, truyền thông, marketing...

Có nên nhập học nếu trúng tuyển nguyện vọng không mong muốn

Trước băn khoăn của TS về việc trúng tuyển một ngành chưa phải lựa chọn đầu tiên, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho rằng nếu trúng tuyển vào ngành gần với ngành mong muốn, TS nên nhập học ngay đợt 1. Vì đợt bổ sung chỉ tiêu xét ít hơn, điểm chuẩn phải bằng từ đợt 1 trở lên.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng TS trúng tuyển đúng ngành yêu thích hoặc ngành gần, nên quyết định nhập học. Nếu trúng tuyển không đúng ngành yêu thích, TS cần tính toán và cân nhắc giữa các lựa chọn. Một là nhập học và tìm hiểu việc học song ngành hoặc chuyển ngành ở các trường. Riêng việc chuyển ngành thì tùy từng trường sẽ khác nhau. Như Trường ĐH Duy Tân, sinh viên có điểm đầu vào tương đồng nhau, có kết quả học tập tốt thì có thể chuyển ngành học. "Tình huống cuối cùng là phải đánh cược từ bỏ xác nhận nhập học để chờ cơ hội xét bổ sung. TS cần theo dõi trường ĐH nào dự kiến xét tuyển bổ sung ngành học này, tận dụng cơ hội xét bổ sung bằng học bạ ở một số trường", ông Hải nói.

Dù vậy, ông Hải vẫn nhấn mạnh: "Những năm trước, tỷ lệ số TS xét bổ sung nhập học thấp hơn rất nhiều lần so với đợt 1. Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng TS cần chú ý và cân nhắc kỹ giữa 2 quyết định nhập học hay xét bổ sung". 

Cũng có những tình huống TS không nhận được giấy báo trúng tuyển, TS sinh cần liên hệ ngay với trường ĐH nơi trúng tuyển để đảm bảo có thể nhập học đúng thời gian quy định. Tùy theo quy định của trường sẽ có những quy định khác.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân)

TS cần tìm hiểu kỹ quy trình nhập học của từng trường, ví dụ tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có 8 bước với các hồ sơ: bản chính giấy chứng nhận kết quả kỳ thi, bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bản sao giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận ưu tiên nếu có…

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM)

Lưu ý quan trọng về xác nhận nhập học

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương lưu ý mỗi trường có quy định nhập học khác nhau về cách thức, thời gian. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM bắt đầu đón TS đến trường làm thủ tục nhập học từ sáng 24.8. Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cho biết TS có thể xác nhận nhập học trước theo hình thức trực tuyến, trước khi đến trường nộp hồ sơ bản gốc. Thạc sĩ Mai Bình cho biết: "Hiện có nhiều TS băn khoăn chưa nhận được giấy báo trúng tuyển. Điều này có thể xảy ra do TS cung cấp thông tin chưa đầy đủ nên giấy báo nhập học có thể không đến đúng địa chỉ. Do đó, TS biết mình đã trúng tuyển mà chưa nhận được giấy báo trúng tuyển cần chủ động liên lạc với trường ĐH".

Trong khi đó, thạc sĩ Trần Văn Trắng cho biết Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã thông báo TS về việc trúng tuyển thông qua nhiều kênh. Năm nay trường không gửi giấy báo trúng tuyển qua bưu điện mà gửi qua email. "Xác nhận nhập học trực tuyến và trực tiếp đều quan trọng như nhau. Trường hướng dẫn TS thực hiện đồng thời cả 2 bước để hoàn tất việc nhập học theo quy định chung", thạc sĩ Trắng lưu ý thêm.

Về hồ sơ nhập học, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, các trường ĐH khi gửi giấy báo trúng tuyển cho TS trong đó ghi rõ các hồ sơ, khoản lệ phí mà TS cần chuẩn bị để nhập học. Tuy nhiên, TS cần lưu ý nộp phiếu điểm khác nhau tùy theo từng phương thức nhập học. Trong đó, khi trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, bắt buộc TS phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi; trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ phải nộp bản sao y học bạ; phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực cần nộp phiếu điểm gốc của kỳ thi này.

"Việc nộp học phí lệ phí cần đúng địa chỉ tin cậy của trường để tránh tình trạng bị lừa đảo. Ngoài ra, một trường ĐH có thể có nhiều cơ sở nên TS cần đến đúng địa chỉ nhập học trường ghi trong giấy báo để không mất nhiều thời gian đi lại. Những năm trước, có những phụ huynh và TS đến trường nhập học nhưng bỏ quên ba lô trên xe, trong đó có nguyên bộ hồ sơ gốc", thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng lưu ý thêm.

Theo báo thanh niên.