GÓC HOLA: " Hola - Đi để trở về tuổi thơ "_ Sinh viên Khóa 21 GDQPAN, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN
Những dòng cảm nghĩ chân thực của sinh viên Khóa 21, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN sẽ mang đến cái nhìn sinh động, đa sắc màu về tháng ngày học tập, rèn luyện và trải nghiệm môn học GDQPAN tại Trung tâm GDQP&AN, ĐHQGHN
Những trải nghiệm ở Hola thật là tuyệt vời với sinh viên ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Anh chị khóa trên bảo: đi quân sự ở hola không cần mang não đâu. Thật ra không hẳn, phải mang não! Luyện não rất nhiều. Không phải dùng não để học mà để nghĩ trò để chơi, nghĩ chuyện để nói và nghĩ cách diễn xuất thần để sống ảo với hội bạn.
Có lẽ trong những lần may mắn của cuộc đời chính là được học quân sự trên Hòa Lạc và ở cùng phòng với mấy đứa bạn. Lạ thay lúc đi học trên lớp ngoan hiền lắm nhưng mà sau 3 ngày đầu tiên các đồng chí liền lộ rõ bản chất "giặc giời" và đồng cam cộng khổ cùng nhau, gây nên rõ nhiều chuyện.
Câu chuyện đầu tiên là mấy đứa con gái trong phòng chơi bài "thách thức hay sự thật" rồi sang phòng con trai tỏ tình, thế nào mấy đứa xung quanh nó bắt sóng nhanh thế gào lên “hôn đi, hôn đi” làm cả cái dãy nhà 3 đại đội lao ra hành lang hô theo kiểu hiệu ứng đám đông. Kết quả ấy à?! Thầy tưởng bạo loạn lấy loa dẹp hết vào phòng rồi cắt điện nguyên dãy, thêm nữa từ ấy có cái luật lệ lạ lùng: CẤM con trai và con gái sang phòng nhau chơi. Xong!
Mấy hôm sau cả dãy nhà D2 đang sáng đèn thì mình phòng mình tắt đèn, bật flash, bật loa, quẩy. Thân đi trực ban nhưng vẫn bỏ trực vào quẩy với phòng. Thế xong định ra trực ban tiếp thì tiếng sét ngang tai: phòng 219, mời phòng 219, 2 phút nữa quân trang đầy đủ có mặt ở sân chào cờ” Xong rồi! Chốt là 8/3 nên thầy tặng chạy 10 vòng sân
Mà đã đi học quân sự thì chả bao giờ thiếu cái chuyện tắm giặt, ăn uống và chơi board game trong bóng đêm. Thú vị phết các cậu ạ. Kiểu như làm những cái bình thường mãi chán rồi nên những cái trải nghiệm lạ lùng này cứ làm mình phấn khích. Nửa đêm cứ canh thầy vào phòng ngủ là cả phòng bật đèn flash hì hục nấu nước pha mỳ ăn, xong xuôi lôi uno, mèo nổ, ma sói các thứ... ra chơi đến 2, 3h sáng. Có bữa chơi sớm chưa cần thì thầm trong bóng đêm thì có đứa hét quá đà đến nỗi khản cả cổ.
Nhắc đến ẩm thực Hola thì không thể thiếu món vịt được. Ngon thật sự luôn, thịt ngọt và nước chấm thì đậm đà cay cay quá sức gây thương nhớ. Ăn xong thơm nức cả phòng vừa mùi vịt lẫn mùi nước chấm. có hôm đang ăn thì thầy mở cửa phòng vào hỏi: phòng này ăn đêm à? Cả bọn bất động như slowmotion phim cô dâu 8 tuổi không ai lên tiếng, cử động gì, thế xong ơn trời, thầy thương chúng em quá nên lặng lẽ đóng cửa đi ra mà không một lời trách phạt.
Đi học quân sự có cái nhiệm vụ đi gác đêm đấy. Cái hôm đầu mình gác giờ hoàng đạo 00h-1h00. Ban đầu nghĩ hơi sợ, đang im im thì có bạn xinh xinh tóc dài bình bịch chạy qua làm hú hồn, hóa ra cũng đi gác như mình, xong lại còn làm quen được mấy bạn bên trường khác nữa. Vừa gặp mấy giây mà nói chuyện như thân quen lâu lắm rồi, vui lắm.
Buổi sáng phải dậy lúc 5h30 tập thể dục, mấy hôm đầu hò nhau từ 5h00 vệ sinh cá nhân rồi bôi kem chống nắng, bôi son đủ kiểu. Hết tuần đầu thôi, sau thì đến khi trung tâm báo dậy 5h30 mới dậy, không kịp chải đầu chứ đừng nói tới kem chống nắng.
Đi lao động thì không phải khung cảnh lao động chăm chỉ nghiêm túc làm việc hùng hục đâu. Nào thì 1001 cách lao động vui vẻ, nhặt lá cây kiểu quý tộc, đẩy xe rác kiểu fashionista, cắt cỏ kiểu chiến binh mạnh mẽ và vô vàn trò cười khác.
Mỗi chiều đều căn giờ đứng hành lang để nghe radio xem có tên mình được nêu trên ý không, có ai đang để ý mình không, hay đơn giản là chờ có nhạc thì hát, có bữa cả dãy lôi nhau ra hành lang hát, nhảy ầm ĩ thầy chỉ biết đứng nhìn lắc đầu bó tay cái lũ giặc giời này thôi.
Đi ăn thì các cô ở căng tin coi mình như con cháu trong nhà. Hôm cả phòng ăn hết thức ăn xong cô thấy thiếu cô dồn thêm 2,3 mâm nữa cho ăn thoải mái. Không phụ lòng cô chỗ đồ ăn đấy tiếp tục không cánh mà bay bởi những nữ thanh niên tương lai của đất nước không màng duyên dáng, không màng ánh nhìn của thiên hạ, một lòng một dạ vì tương lai quốc gia mà ăn như vũ bão để đảm bảo đủ sức phục vụ đất nước khi tổ quốc kêu tên.
Tóm lại là đi học quân sự ở Hòa Lạc thì nhiều chuyện để kể lắm. 1 ngày đã đủ để sinh ra bao nhiêu chuyện rồi huống gì 1 tháng trời. Thật sự rất vui. Có trải nghiệm, có kỉ niệm. Thêm nữa là các thầy đều hài hước và tâm lý với sinh viên nên đi học vui lắm, cười suốt thôi. May mắn nhất của mình là tìm được hội bạn cùng phòng đồng quan điểm, sở thích, sở ghét và thấu hiểu mình. Những đêm tâm sự tuổi hồng, lắng nghe tuổi thơ của nhau xong cười khúc khích, rồi thì cùng ăn cùng ngủ với nhau, cùng nhau chơi và cùng nhau bị phạt. Tình bạn, tình đồng chí gắn kết lắm, sướng cùng hưởng, họa cùng chịu, kết cục đều là nhìn nhau phá lên cười.
Không khí ở Hola thì thanh bình lắm, cái khí trời trong xanh không khói bụi, không ồn ã xô bồ gay gắt, con người không cố hơn thua nhau thành tích gì cả, giống như trở về tuổi thơ, làm những đứa trẻ vô lo vô nghĩ, chỉ lo nay ăn gì, mai chơi gì. Trở về làm những đứa trẻ quậy phá, cởi mở, tìm bạn để vui chơi chứ không tìm bạn vì lý do thực dụng nào cả. 1 tháng trôi qua nhanh quá đến nỗi mình còn ngỡ như là mới ngày hôm qua, trải nghiệm và cảm xúc đã tích lũy kha khá nhưng ham muốn được tiếp tục tích lũy chúng lại khiến mình thấy giống như chưa đủ thì phải, 1 tháng này đã cho mình rất nhiều thứ.
Nhớ những khi bị phạt các thầy sẽ đưa đến những bài học làm người. Có bữa thầy nói mà muốn ứa nước mắt không phải vì giận hay bực bội oan ức gì mà vì đó là giây phút mỗi đứa sinh viên trong đại đội của tự hỏi: mình đã sống thế nào trong thời gian vừa qua?! Đi học quân sự là trải nghiệm đáng nhớ nhất của thời sinh viên, nếu đã có cơ hội trải nghiệm nhớ đừng lãng phí nó dù là giây phút nào, đừng sợ luật lệ mà không tạo kỷ niệm, miễn đừng quá đà là được. Phải biết điểm dừng, vui thôi đừng vui quá nhưng phải bị phạt vài ba lần mới vui, sau này nhớ lại nhất định không hối tiếc, nhất định sẽ mỉm cười và nhất định sẽ học được những điều đẹp đẽ, khiến những năm tháng tuổi thanh xuân thêm rực rỡ, sắc màu như dải cầu vồng sau những cơn mưa đầu hạ.
Nguồn: Kim Dung - Đại học Kinh tế, ĐHQGHN