Hà Nội xây dựng cộng đồng dân cư thân thiện, ứng xử văn minh du lịch

Du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Hà Nội đã góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.

Tháng 11 12, 2022 - 22:46
Tháng sáu 10, 2023 - 17:38
 0  12
Hà Nội xây dựng cộng đồng dân cư thân thiện, ứng xử văn minh du lịch
Triển khai ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội). 

Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương và cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, sự phát triển của loại hình du lịch này. Do đó, việc xây dựng cộng đồng dân cư thân thiện, mến khách, có kỹ năng giao tiếp và ứng xử văn minh sẽ tạo ấn tượng tốt, góp phần tạo nên sự hài lòng của du khách đang được ngành du lịch Hà Nội quan tâm.

Tạo ấn tượng từ sự thân thiện, mến khách

Một ngày đầu tháng 11, khoảng 150 người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất hồ hởi tham gia buổi triển khai ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức.

Thạch Thất nổi tiếng với nhiều địa danh du lịch như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, làng nghề làm chuồn chuồn tre, làng nghề làm bánh chè lam, khu du lịch sinh thái Hoàng Long thu hút khá đông khách du lịch đến địa phương.

Tại buổi triển khai, Tiến sĩ Vũ Lan Hương, Phó Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trao đổi với người dân Thạch Xá về cách làm du lịch để tạo điểm nhấn thu hút du khách, cách nắm bắt tâm lý, văn hóa của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài để có cách ứng xử, phục vụ khác nhau. Người dân cần tập trung vào kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ, bởi sự chân tình, hồn hậu chính là yếu tố thu hút khách quay trở lại.

Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Cầu Bươu, xã Thạch Xá) chia sẻ, người dân ở đây tự hào khi trên địa bàn có nhiều điểm du lịch. Nhiều gia đình cũng được hưởng lợi từ hoạt động này. Tuy nhiên, khi khách đến, mọi người chỉ quan tâm đến việc mời khách mua hàng, thậm chí chèo kéo khách. Vì vậy, những buổi trao đổi, tập huấn về ứng xử văn minh du lịch rất cần thiết giúp bà con có kỹ năng giao tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường các điểm du lịch...

Cùng với xã Thạch Xá, vào đầu tháng 11, Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp với huyện Thạch Thất tổ chức triển khai buổi ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho người dân hai xã Yên Bình, Tiến Xuân; phối hợp với huyện Quốc Oai triển khai đến các xã trên địa bàn. Từ 2018 đến nay, Sở Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động này tại gần 50 điểm du lịch trên địa bàn.

Bà Bùi Lan Hương, Phó  Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển ngành Du lịch Thủ đô, công tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hình ảnh về một điểm đến cộng đồng dân cư mến khách, có kỹ năng ứng xử văn minh sẽ tạo ấn tượng tốt cho du khách.

Vì vậy, Sở Du lịch phối hợp với các quận, huyện triển khai các kỹ năng ứng xử văn minh về du lịch, kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách du lịch cho người dân, nghệ nhân, các đoàn thể địa phương tại một số điểm du lịch. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư còn được tiếp cận thêm các kỹ năng về giới thiệu và kết nối sản phẩm du lịch, tìm hiểu tâm lý du khách cũng như vai trò, đóng góp của ngành du lịch với địa phương, đời sống của người dân.

Gia tăng lợi thế du lịch

Góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của du lịch, hỗ trợ người dân về kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo phát triển du lịch địa phương chất lượng, bền vững là mục tiêu của hoạt động triển khai ứng xử văn minh cho cộng đồng dân cư được Sở Du lịch Hà Nội thực hiện nhiều năm qua. Thông qua đó, ngành Du lịch Thủ đô cũng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng thêm kỹ năng, kiến thức cho nhân lực du lịch cộng đồng dân cư.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín Mai Văn Ngần cho biết, sau 3 năm được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố, xã Hồng Vân đã có nhiều đổi mới với các con đường được đặt tên các loài hoa. Đồng thời, địa phương đã trồng những loài hoa đặc trưng như: Bằng Lăng, Hoàng Yến, Hoa Ban, Phượng Vĩ, Hoa Giấy...

Chính quyền xã mong muốn du khách đến với Hồng Vân có thể cảm nhận được sự khác biệt từ những đường hoa. Hiện, người dân đã được tuyên truyền về ứng xử văn minh, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh và không xả rác ra đường. Xã có kế hoạch đưa nội dung giáo dục quy tắc ứng xử vào trong nhà trường để người dân hiểu hơn sự quan trọng trong ứng xử văn minh. Nhờ đó, hình ảnh du lịch làng nghề cây cảnh Hồng Vân ngày càng được nhiều người biết đến, nhất là những dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Làng cổ Đường Lâm cũng là một điển hình về điểm đến thân thiện, văn minh khi người dân đã ý thức về ứng xử văn minh du lịch. Khách đến làng cổ không chỉ được khám phá về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa mà còn được hòa mình vào cuộc sống nông thôn điển hình của Bắc Bộ, tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân như gặt lúa, bện rơm hay làm kẹo, chè lam, đi xe điện hoặc đạp xe quanh làng tìm hiểu cuộc sống của người dân.

Người dân Đường Lâm luôn mến khách, chân tình. Trước dịch COVID-19, trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000 - 130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000 - 7.000 lượt khách quốc tế. Hiện, lượng lớn khách bắt đầu quay trở lại...

Theo ghi nhận, dù ứng xử văn minh du lịch của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tại một số điểm du lịch, đôi lúc vẫn còn hiện tượng bán hàng rong chèo kéo khách, bán giá cao, môi trường chưa thật sạch sẽ...

Tiến sĩ Vũ Hương Lan, Phó trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hy vọng với việc tuyên truyền sâu rộng của ngành Du lịch Thủ đô cũng như các địa phương, cách ứng xử của người dân sẽ có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực trong việc thu hút du khách đến Hà Nội.

Thực tế, văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cũng là nét văn hóa tạo sức hút đối với khách du lịch. Du khách đến khám phá, trải nghiệm du lịch cộng đồng không đơn thuần thăm thú cảnh quan sinh thái, văn hóa vật thể, phi vật thể mà còn muốn tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người dân và cảm nhận trực tiếp về phong cách ứng xử. Bởi vậy, ứng xử văn minh du lịch luôn là yếu tố cần thiết để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Nguồn: Sưu tầm.