Hãng bia rục rịch giảm giá đón đầu mùa Tết, các đại lý vẫn chưa dám nhập hàng
Thị trường bia bắt đầu sôi động từ giữa tháng 11 khi các hãng đã chạy chương trình Tết như giảm giá hoặc tặng thêm. Tuy nhiên, người kinh doanh vẫn đang tính toán vì lo nhu cầu bia Tết không nhiều.
Nhiều nhãn hiệu bia phổ biến đã thay đổi diện mạo sản phẩm để chào đón dịp Tết Quý Mão (Hải Phương).
Một số hệ thống bán lẻ ở Hà Nội như Winmart, Lotte, Big C... đang bắt đầu dành không gian lớn để bày các sản phẩm bia Tết 2023. Các nhãn hiệu bia phổ biến như Bia 333, Sài Gòn, Hà Nội, Tiger, Heineken… đã thay đổi diện mạo sản phẩm để chào đón dịp Tết Quý Mão. Các hoạt động đi kèm cũng được triển khai rầm rộ như chuỗi sự kiện, concert....
Dù vậy, theo ghi nhận của Dân trí, giá bia tại các siêu thị và tạp hóa vẫn không chênh lệch nhiều. Mức giảm so với trước không đáng kể. Đơn cử, bia Saigon Lager giảm từ 275.000 đồng xuống 260.000 đồng/thùng/24 lon, bia Budweiser Budvar giảm từ 311.100 đồng xuống 282.000 đồng/6 lốc, bia Budweiser lon 500ml giảm từ 359.800 đồng xuống 308.200 đồng/thùng 12 lon…
Có hãng chưa công bố kế hoạch khuyến mại dịp tết nhưng duy trì khuyến mại tuần như bia Budweiser Sleek Can có giá 467.100 đồng/thùng, mua một lốc 330ml (6 lon) được tặng thêm một lon Coca-Cola 330ml…
Các hãng khác như bia 333 dao động từ 265.000 đến 286.000 đồng/thùng/24 lon, Bia Hà Nội 250.000-275.000 đồng/thùng/24 lon, bia Heineken 432.000-440.000 đồng/thùng/24 lon… Giá bán ở siêu thị và các cửa hàng tạp hóa không chênh lệch quá lớn, ở mức 20.000-40.000 đồng/thùng.
Thị trường bia bắt đầu sôi động từ giữa tháng 11 khi các hãng bia đã chạy các chương trình Tết như giảm giá hoặc tặng thêm bia (Ảnh: Hải Phương).
Tuy nhiên, theo ghi nhận, sức mua tại các điểm bán chưa rộn ràng. Người tiêu dùng chưa hưởng ứng với các khuyến mại của các hãng.
Chị Phạm Hồng Huế ở Cầu Giấy đi đến Winmart Thăng Long mua hàng, cho biết mua bia để uống chưa không để ý các hãng bia có chương trình khuyến mại do mức giảm không đáng kể. Chị nói: "Tết năm nay mình sẽ mua ít bia hơn năm ngoái vì nhà mình sẽ đi chơi, không ở nhà. Các năm trước mua nhiều bia chủ yếu để tiếp khách".
Chị Thiều Thị Cần, chủ tạp hóa tại Đan Phượng, Hà Nội thông tin, cửa hàng chị chưa nhập bia Tết vì các chương trình khuyến mại Tết của các hãng bia chưa nhiều.
"Các hãng có thì giá cũng không chênh nhiều so với trước khuyến mại. Ngoài ra, chưa có nhiều khách mua hỏi. Tôi định một tuần nữa mới bắt đầu nhập khoảng 150 thùng bia các loại, sau đó xem sức mua của khách hàng rồi tính xem có nên nhập tiếp hay không", chị Phương chia sẻ.
Theo chị Cần, sức mua bia giảm rõ rệt từ khi có dịch Covid-19. "Năm nay, kinh tế còn khó khăn nên có thể mọi người sẽ cắt giảm chi tiêu lại", chị nói thêm.
Phạm Thị Tươi, nhân viên tư vấn bia ở Winmart Thăng Long, cho biết từ giữa tháng 11 các hãng bia đã chạy các chương trình Tết như giảm giá hoặc tặng thêm bia. Khách mua bia Tết hiện đa phần là các công ty, doanh nghiệp mua để tặng đối tác, nhân viên. "Giữa tháng 12 mới là thời điểm sức mua mạnh nhất", chị nói.
Các công ty chứng khoán từng đưa ra nhận định tích cực về triển vọng ngành bia. Tuy nhiên, ngành F&B sắp tới có thể đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lạm phát và thu nhập của người tiêu dùng tăng trưởng chậm lại (Ảnh: Hải Phương).
Trước đó, một số công ty chứng khoán cũng đưa ra các dự đoán tích cực về triển vọng ngành bia. Dự báo được đưa ra trên cơ sở sự mở cửa trở lại của hoạt động du lịch, giải trí hay ngành F&B là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao....
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, quý IV năm nay, sản lượng ngành F&B sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lạm phát và thu nhập của người tiêu dùng tăng trưởng chậm lại. Doanh thu của ngành này có thể duy trì nhờ giá bán trung bình (ASP) tăng. Hồi cuối tháng 9, nhiều hãng bia tăng giá sản phẩm 3-10% do nguyên liệu tăng giá và các chi phí sản xuất đắt đỏ do ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: Dân trí