Hãy cùng trải nghiệm nhiều độc đáo, thú vị khi tham gia dịch vụ du lịch Sơn Tây
Thị xã Sơn Tây có tiềm năng du lịch lớn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, như: Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, đền Và… Đáng chú ý, sự hình thành một loạt các điểm đến gắn với lưu trú, nghỉ dưỡng mới lạ, như: Điểm du lịch thôn Lòng Hồ, Nhà Duối, làng Mít, Glory Resort... với môi trường trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp bình yên, món ăn ngon, hấp dẫn, đa dạng đã và đang giúp du lịch Sơn Tây trỗi dậy, phát triển mạnh đúng với tiềm năng vốn có.
Điểm đến lý tưởng cho người yêu thiên nhiên và lịch sử
Nhiều người ví du lịch Sơn Tây là một “mỏ vàng” của du lịch ngoại thành, khi nơi đây hội tụ nhiều điểm cộng mà du khách muốn trải nghiệm: Di chuyển thuận lợi, cảnh sắc đa dạng, không khí trong lành, con người thân thiện, nhiều món ăn ngon… Tuy nhiên, trong một thời gian dài, du khách đến Sơn Tây hầu hết là đi - về trong ngày, ít ở lại lưu trú.
Nhìn nhận đúng thế mạnh và cả những hạn chế vốn có, như: Cơ sở lưu trú kém hấp dẫn, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có sự kết nối các loại hình dịch vụ du lịch để níu chân du khách, trong 3 năm trở lại đây, với việc thu hút lớn các nguồn lực đầu tư, Sơn Tây đã trở mình, trở thành điểm đến độc đáo, thú vị của du khách.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây Hà Việt Phong, đến Sơn Tây, du khách không chỉ được tham quan Làng cổ Đường Lâm, văn miếu Sơn Tây, đình Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, Thành cổ, hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…, mà còn có Glory Resort - một điểm đến đáng chú ý với phân khúc nghỉ dưỡng hạng sang và kết hợp nhiều dịch vụ đa chức năng. Khách có thể tận hưởng không gian sống và các tiện ích trong khuôn viên rộng lớn 20ha. Thậm chí, ở Glory Resort, du khách còn được tham quan Sơn Tây thu nhỏ, thấy bóng dáng làng quê Việt Nam xưa và cảm nhận được cuộc sống nông thôn, hoạt động cách mạng của thế hệ ông cha xưa.
Nếu muốn hưởng thụ các dịch vụ nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên và nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm thực tế công việc nhà nông, phù hợp với các gia đình có trẻ nhỏ, các cặp đôi và người lớn tuổi, du khách sẽ đến với làng Mít, xã Cổ Đông. Nơi đây có một quần thể homestay lên đến cả trăm cơ sở lưu trú hấp dẫn. Cái tên Tomodachi Retreat Sơn Tây - hay làng Mít là một trong những điểm du lịch của Sơn Tây - Hà Nội được rất nhiều người yêu thích. Không chỉ nổi bật bởi kiến trúc độc đáo, khuôn viên hoa lá, cây cỏ tạo cảnh quan thiên nhiên xanh thân thiện, mà các homestay của xã Cổ Đông còn cung cấp đa dạng dịch vụ vui chơi, trải nghiệm thực tế rất thích hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng của các gia đình. Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đông Bùi Hữu Nam hào hứng nói: “Kiến trúc làng Mít của Cổ Đông còn giành giải Nhất - được xướng tên trong hạng mục Kiến trúc xanh Spec GoGreen 2018, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng”.
Góp mặt vào các điểm lưu trú độc đáo của Sơn Tây, còn phải kể đến Nhà Duối. Ngôi nhà nằm trong thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, đang chuẩn bị được thành phố công nhận là điểm đến du lịch trong năm của Sơn Tây cùng với Glory Resort. Với lời mời “lấp lánh nếp xưa” - Nhà Duối được thiết kế không gian mở, gợi nhớ cho du khách về dấu ấn văn hóa Việt Nam trong cách bài trí, phục dựng những tích xưa, sự giới thiệu nhiệt tình, am hiểu, sâu sắc của gia chủ… Ở đây, du khách sẽ được cùng nhau chia sẻ những hoạt động thường nhật của một gia đình nhỏ vô ưu - những người yêu thiên nhiên, thích nghe kể chuyện, thích ôn lại lịch sử Việt Nam và văn hóa địa phương.
Để “mỏ vàng” đầy mãi
Là một du khách luôn coi Sơn Tây như “ngôi nhà thứ 2” ở ngoại thành, chị Lê Phương Ngọc ở phường La Khê (quận Hà Đông), chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với Sơn Tây - một điểm đến du lịch đầy tiềm năng với nhiều hoạt động thú vị cho khách du lịch. Tôi và gia đình đã nhiều lần đến với Sơn Tây, thích cách phát triển du lịch theo hướng tập trung vào việc bảo tồn và phát triển bền vững của nơi đây.
Giờ đây ở Sơn Tây, hầu hết các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú mới hình thành đều tích hợp đủ các loại hình trải nghiệm cho du khách, như: Dịch vụ massage, ngâm chân thảo dược; câu cá, chèo thuyền kayak; tham gia vào không gian chợ quê truyền thống, sân chơi văn hóa bổ ích cho con trẻ…
Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính chia sẻ: Xã Kim Sơn với tiềm năng du lịch sẵn có và được nhiều cơ sở kinh doanh đầu tư, phát triển du lịch tại thôn Lòng Hồ. Nhờ đó, Lòng Hồ trở thành điểm du lịch mới đầy hấp dẫn, có đủ các loại hình nghỉ dưỡng, trải nghiệm thực tế từ thăm đồi chè, vườn cây ăn quả, đầm sen, camping ven hồ… đến các khu lưu trú tiện ích, độc, lạ.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Khuất Văn Xuyên khẳng định, sự tăng trưởng của Du lịch nông thôn thời gian qua ở Cổ Đông đã mang tới sinh khí mới cho địa phương. Phong cảnh làng quê sạch đẹp hơn, các giá trị văn hóa được thăng hoa, tỏa sáng; các loại nông sản, đặc sản của địa phương được du khách biết đến, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Địa phương đang tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển du lịch ven sông, hồ, suối...
Cũng nhờ định hướng phát triển du lịch bài bản, sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, hầu hết các điểm lưu trú ở Sơn Tây đều kín khách đặt phòng trước từ 1 đến 2 tháng. Thị xã Sơn Tây đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị ngành Du lịch dịch vụ chiếm tỷ trọng 50%; di tích thành cổ Sơn Tây, đền Và được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; kết nối đồng bộ các điểm đến lưu trú, nghỉ dưỡng của Sơn Tây với các điểm di tích lịch sử đặc biệt của địa phương…
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn khẳng định, để du khách hài lòng với trải nghiệm của mình, thị xã khuyến khích các khu lưu trú, nhà hàng, cửa hàng và các dịch vụ khác nâng cao chất lượng hơn nữa, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cùng với duy trì, phát huy sản phẩm du lịch hiện tại, Sơn Tây sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới cho du khách, như: Trải nghiệm thực tế làm nhà nông, tham quan trang trại trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thăm làng nghề truyền thống… Đặc biệt, thị xã cũng hợp tác với các địa phương khác, như: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai…, tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây Hà Nội.
Cùng với đó, Sơn Tây tiếp tục đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch; xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh, giữ gìn từng thôn làng, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp; tiếp tục bảo tồn, phát triển các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống gắn với du lịch như bánh tẻ Phú Nhi, bánh kẹo thủ công truyền thống ở Đường Lâm, các sản phẩm nông sản, đặc sản đạt OCOP gắn với văn hóa ẩm thực xứ Đoài…
Nguồn: Sưu tầm