Hoa Kỳ dành 14,2 triệu đô la để phát triển ba cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam theo chuẩn quốc tế
“Hoa Kỳ cam kết là đối tác trong việc hỗ trợ sự thành công và bền vững lâu dài của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam” – đó là lời khẳng định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper trong Lễ khởi động Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học diễn ra tại Hà Nội vào chiều nay, 01/08/2022. Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Giám đốc ĐHQG – Tp.HCM Vũ Hải Quân và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ.
Dự án có tên viết tắt là PHER (Partnership for Higher Education Reform), được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố với truyền thông vào tháng 8/2021, sẽ kéo dài 5 năm từ nay đến 2026, hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia T.p Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng nhằm cải thiện chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực quản trị và khả năng đáp ứng thị trường của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đại học Indiana, Hoa Kỳ được giao là đối tác thực hiện dự án.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhận định trong bối cảnh Chính phủ đang ưu tiên dành sự đầu tư cho giáo dục đại học tại Việt Nam, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học đóng vai trò hết sức ý nghĩa, giúp cho ĐHQGHN chuẩn bị tất cả các điều kiện về năng lực quản trị, vận hành để đạt được các mục tiêu từ nay đến năm 2025 mà ĐHQGHN đã đề ra trong Chiến lược phát triển của mình và có thể hướng tới việc hình thành và phát triển đô thị đại học 5 trong 1 (Trung tâm đào tạo tài năng; Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; Đô thị đại học thông minh, hiện đại; Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu) mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận trước đó trong cuộc làm việc cùng lãnh đạo ĐHQGHN hồi cuối năm 2021.
Giám đốc Lê Quân đánh giá cao những dấu ấn mà Dự án đã tạo dựng được thông qua chuỗi hội thảo được tổ chức tại ba miền đất nước trong một tuần vừa qua. Ông nhấn mạnh những kỳ vọng của Dự án chỉ có thể đạt được khi tất cả các bên tham gia cùng nỗ lực để tạo dựng một cộng đồng học hỏi và sẻ chia cùng nhau nhưng cũng là một cộng đồng có trách nhiệm trong việc đề xuất những giải pháp, góp phần đổi mới diện mạo nền giáo dục. Ông cũng kêu gọi các Bộ, Ngành hãy tích cực đề ra các đầu bài để ba cơ sở giáo dục đại học cùng tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân gửi lời cảm ơn vì những nỗ lực của tất cả các bên tham gia Dự án trong gần một năm qua để ngày hôm nay PHER được chính thức khởi động, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của ĐHQGHN, ĐHQG-Tp.HCM và ĐH Đà Nẵng.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá, giáo dục đại học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước thách thức và cơ hội lớn lao. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm cung cấp một nền giáo dục chất lượng và có tính chất bao trùm vì chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những yếu tố cạnh tranh của các nền kinh tế. Những năm qua, Việt Nam cũng đã tích cực đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, xoay quanh các từ khóa về “tự chủ đại học”, “chuyển đổi số”… để đem lại những giá trị tốt nhất cho người học và cộng đồng. Hai Đại học Quốc gia và Đại học Đà Nẵng là những cơ sở giáo dục đại học tiên phong dẫn dắt các xu thế đổi mới giáo dục tại Việt Nam. Với việc tham dự Dự án PHER, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kỳ vọng ba đại học sẽ kết nối với các chuyên gia từ ĐH Indiana, Hòa Kỳ để học hỏi và lan tỏa kinh nghiệm quốc tế đến toàn hệ thống.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper nhấn mạnh thông qua Dự án PHER, Hoa Kỳ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và chiến lược phát triển của các đại học nước này để các cơ sở giáo dục Việt Nam áp dụng vào quá trình phát triển của mình.
Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana Hannah Buxbaum cho rằng, điểm ưu việt của Dự án là tổ hợp của sự kết nối giữa không chỉ của các đại học mà còn của nhiều cơ quan, tổ chức, Bộ, Ban, ngành khác nhau, bên cạnh đó còn là mối liên kết nội bộ của từng trường và giữa những cán bộ, giảng viên của các trường với nhau. Với một mạng lưới liên kết rộng khắp đang dần được hình thành đó, Dự án PHER được kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi và đổi mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Từng nhấn mạnh về cơ hội mở ra cho Dự án PHER tại Việt Nam bởi giáo dục là một lĩnh vực không có biên giới, Giám đốc ĐHQG Tp.HCM Vũ Hải Quân tỏ hy vọng Dự án sẽ vượt qua được những khó khăn, khác biệt khi áp dụng những kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn giáo dục Việt Nam để đạt được những mục tiêu đã đề ra một cách hiệu quả, thực chất.
Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học là sản phẩm của quá trình tham vấn sâu rộng giữa USAID và 3 cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Việt Nam cùng với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Đại học Indiana và Ngân hàng Thế giới. Các đối tác phối hợp khác trong quá trình thực hiện dự án gồm Đại học Purdue, công ty Amazon Web Services, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và nhiều đơn vị khác. Dự án hợp tác này nhằm giúp thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học đã được đề ra trong Luật giáo dục đại học sửa đổi của Việt Nam năm 2018.
Bốn trụ cột của Dự án bao gồm: Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và Thúc đẩy liên kết đại học - doanh nghiệp. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng.
Cụ thể, PHER sẽ giới thiệu, cập nhật những phương pháp dạy và học mới hiện đại, toàn diện và có tính thực tiễn cao để ba đại học triển khai một số phương pháp đào tạo giúp cho sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm và cách áp dụng kiến thức trên lớp vào cuộc sống. Ngoài ra, Dự án sẽ cùng ba cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, cũng như hình thành các chương trình hợp tác đào tạo và liên kết giữa Đại học – Doanh nghiệp giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. PHER sẽ tăng cường khả năng kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế thông qua việc hình thành và vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp và khu vực tư nhân bằng cách hỗ trợ các đại học chủ động tìm kiếm, kết nối và chứng minh khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng và xã hội. Cuối cùng, PHER hỗ trợ các đại học trên phương diện quản trị, thông qua giới thiệu, hỗ trợ xây dựng, triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản trị với những lãnh đạo đại học trên thế giới.
Để chuẩn bị cho sự kiện công bố chính thức ngày hôm nay, 01/8/2022, nhiều hoạt động bên lề đã được tiến hành như Hội thảo tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là ba cơ sở giáo dục đại học tham gia dự án về khung tiếp cận và giải pháp kỹ thuật chung, nhằm đảm bảo những đề xuất sau này phản ánh đúng nhu cầu của các đại học tham gia dự án (SAVE Workshop) được tổ chức tháng 6/2021; Các buổi toạ đàm và gặp gỡ các đại học tham gia dự án để tìm hiểu nhu cầu nâng cao năng lực trong các hợp phần của dự án do Đại học Indiana tiến hành (Tháng 6/2021); Chuỗi hội thảo đồng thiết kế dự án (5 hội thảo) tập trung vào các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp - đại học để chi tiết hoá các giải pháp kỹ thuật và ghi nhận ý kiến đóng góp, ý tưởng của các đại học tham gia dự án, với sự tham dự đông đảo của các lãnh đạo, nhà quản lý, giảng viên, và các đối tác khác của ba đại học (Tháng 9, 10/2021); Chuỗi Hội thảo mùa hè 2022 do ĐHQGHN và ĐHQG-Tp.HCM chủ trì vào tháng 7/2022 với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài thiết kế chương trình cùng các đại học Việt Nam.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Nguồn: vnu.edu.vn