Hòa Lạc thành phố tri thức
Đại lộ Thăng Long xuôi theo hướng Sơn Tây – Ba Vì nhìn về đô thị Hòa Lạc, đâu đó hình dáng, kiến trúc của một khu đô thị vệ tinh mang theo sứ mệnh đặc biệt đang dần được hình thành. Hòa Lạc, mảnh đất vốn khô cằn, sỏi đá đang chuyển mình thành vùng đất của thanh xuân, nơi ươm mầm giúp bao thế hệ sinh viên đắp xây những viên gạch tri thức đầu tiên.
Hòa Lạc sẽ là thành phố tri thức của tương lai. (Ảnh: Một tiết học của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội).
Với thầy trò Đại học Quốc gia Hà Nội, lễ Khai giảng năm học 2022-2023 diễn ra trong sự hân hoan đặc biệt. Đây là năm học đầu tiên Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đi vào vận hành. Đi liền đó, ngày 19/5/2022 toàn bộ cơ quan Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy tới Hòa Lạc, Thạch Thất.
Giờ đây, Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc sau thời gian dài trù bị đã có tổ hợp tòa nhà HT1 với hơn 14.000m2 sàn, gồm ba giảng đường 120 chỗ, 18 phòng học từ 50 đến 80 chỗ, 10 phòng thí nghiệm, 90 phòng làm việc khác. Tổ hợp tòa nhà HT2 với hơn 20.000m2 diện tích sàn với hai giảng đường 120 chỗ, bốn giảng đường 80 chỗ, 22 phòng thí nghiệm, 11 phòng học, khoảng 100 phòng làm việc với công năng khác nhau…
Những đổi thay này đã và đang từng bước tạo sự thay đổi trong diện mạo của Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, mở ra một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn và nguồn nhân lực. Bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất, trong kế hoạch năm học 2022-2023, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến đưa khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc.
Không chỉ riêng Đại học Quốc gia Hà Nội, đến nay, đã có một số trường đặt “nền móng” tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc như: Đại học FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Văn Lang… Đáng chú ý, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam với các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu và triển khai như: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel với 5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup với 3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng; Tập đoàn FPT với 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng; Tập đoàn VNPT có 2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng… Ngoài ra có dự án hợp tác với nước ngoài như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam -Hàn Quốc (V-KIST) với 35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc… Đây chính là những viên gạch đầu tiên của “Đô thị tri thức – Thành phố khoa học” tại Hòa Lạc.
Sát thực tế phát triển
Từ một đô thị nhỏ hẹp với 4 quận nội đô, nay Hà Nội có thêm nhiều quận, huyện mới được hình thành. Để Thủ đô phát triển, Hà Nội đã sớm định hướng và quy hoạch 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000ha. Theo đó, đô thị vệ tinh có mục tiêu: Kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phát triển hài hòa giữa khu vực trọng tâm và vùng ngoại thành… tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.
Hòa Lạc, đô thị mang theo sứ mệnh đặc biệt đang dần hình thành.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26/7/2011 (QĐ-1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Trong đó, 4 đô thị vệ tinh: Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây được thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha, riêng đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích 17.274ha được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 5/2020. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm.
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, khi Hà Nội triển khai xây dựng đồng bộ 5 đô thị vệ tinh sẽ có khả năng dung nạp khoảng gần 1,4 triệu người, giảm áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật vào đô thị trung tâm, nhất là nội đô lịch sử. Quỹ đất có khả năng khai thác gần 25.000 ha (gần 70% diện tích tự nhiên nội đô lịch sử), tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo. Khi thực hiện các đô thị vệ tinh còn góp phần thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong vùng, khu vực, tạo thuận lợi cho thực hiện chức năng đô thị đặc biệt là Thủ đô, là động lực phát triển vùng. Do đó, Thành phố cần chỉ đạo quyết liệt, bứt phá, không để chậm thêm thời hạn hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh.
Cũng theo các chuyên gia, để giải quyết được bài toán đô thị vệ tinh, trước mắt phải giải quyết được những yêu cầu về kết nối giao thông, thu hút dân cư, đầu tư và các vấn đề về đất đai. Đi đôi với đó, việc lập các đồ án quy hoạch phân khu chức năng tại các đô thị vệ tinh để cụ thể hóa quy hoạch chung cần được khẩn trương thực hiện hơn nữa. Đây được xem là nhiệm vụ không thể chậm trễ thêm. Bởi nếu cứ kéo dài việc lập và phê duyệt quy hoạch và chưa biết tới bao giờ các đô thị vệ tinh mới thành hình thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.