Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nhộn nhịp hơn dịp cuối năm
Thị trường phục hồi
Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report vừa thực hiện cho thấy, 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch COVID-19.
Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực như GDP tiếp tục tăng trưởng, tỉ lệ dân số ở độ tuổi từ 30 đến 40 lớn, có khoảng 91,7% số doanh nghiệp đã nhận định, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Phía công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield cũng đánh giá, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, World Cup, tháng khuyến mại Hà Nội, tháng khuyến mại tập trung quốc gia, Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, tạo ra “làn sóng" mua sắm với số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng…
Theo Cushman & Wakefield, thị trường bán lẻ đã qua thời thương hiệu nội hay ngoại, mà doanh nghiệp bán lẻ nào nhanh tay, có chiến lược trong việc tập trung vào trải nghiệm của khách hàng thì sẽ giành được thị phần. Sau thời gian “thử nghiệm” bán hàng trực tuyến từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, triển khai mô hình kinh doanh kết hợp bán hàng đa kênh.
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh cuối năm
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng đang sôi động hơn về tháng cuối năm nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11.2022 ước đạt 514,1 nghìn tỉ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỉ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối năm được đánh giá là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi, dịch chuyển toàn diện, chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân sự cũng như đẩy mạnh thêm những điểm tiếp cận với khách hàng.
Ngoài ra, những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng cần được ưu tiên, nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế được các nguy cơ và tận dụng được các cơ hội trong thời kỳ chuyển đổi số tiếp theo.
Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong tháng 11 tương đối ổn định, nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình đang có chiều hướng gia tăng khi bước vào giai đoạn chuyển mùa. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.
Đặc biệt chú ý, trong 11 tháng đầu năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.
Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước vẫn chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát sao, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ cũng phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Nguồn: Sưu tầm.