Hội thảo khoa học Quốc gia “Tác động của dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực lân cận”
Sáng ngày 30/6/2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia: “Tác động của dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực lân cận”.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất; cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng ban và các xã lân cận Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc và Đại học Quốc Gia Hà Nội (xã Bình Yên, xã Tân Xã, xã Hạ Bằng, xã Đồng Trúc, xã Thạch Hòa, xã Tiến Xuân và xã Yên Bình). Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các thành viên đề tài cấp Thành phố mã số: 01X – 10/03 – 2021 – 2.
Thời gian qua, các khu công nghệ cao đã được hình thành và phát triển ở Việt Nam với mục tiêu chiến lược được xác định là tạo ra năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ. Đây là hướng đi tắt đón đầu vào kỷ nguyên công nghệ hiện đại, là mô hình tổ chức của nền kinh tế tri thức phù hợp với các nước đang phát triển. Từ đây, có thể xuất hiện các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với mục tiêu phát triển trở thành thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh – thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội - Khu công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc là Khu Công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với mục tiêu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế khu vực và cả nước. Việc xây dựng Khu Công nghệ cao Hoà Lạc nhằm hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia, là nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Theo báo cáo kết quả của ngành khoa học và công nghệ năm 2021, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu ở trong nước và quốc tế đã có mặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty FPT, Tập đoàn Vingroup... Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào 01/2021 nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
Phát biểu khai mạc và chào mừng hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, việc đánh giá tác động và dự báo tác động của Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội đến kinh tế - xã hội khu vực lân cận là vấn đề cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc Gia Hà Nội được xây dựng và đang dần hoàn thiện đã tác động không nhỏ đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực lân cận thuộc huyện Thạch Thất và Quốc Oai. PGS.TS Bùi Huy Nhượng hi vọng Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, cán bộ UBND huyện, xã trao đổi về tác động của dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực và lân cận.
Ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất phát biểu
TS. Nguyễn Thị Phương Linh chủ nhiệm đề tài tài cấp Thành phố mã số 01X - 10/3 - 2021 - 2 phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Kể từ khi có Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội tới nay, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương. Tỷ lệ tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, nguồn thu ngân sách địa phương và trung ương đều có phần đóng góp lớn từ các doanh nghiệp của Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang tạo nên những cơ hội lớn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo chuyển đổi nghề cho phần lớn lao động nông nghiệp, tạo nên một số lượng đáng kể việc làm trực tiếp và gián tiếp, giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, đưa các ngành dịch vụ về nông thôn, góp phần giảm dần tỷ lệ nghèo đói.
Tuy nhiên, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội được hình thành cũng là sự khởi đầu của những tác động tiêu cực. Bắt đầu từ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chính sách tái định cư đến tình trạng người lao động di cư một cách tự phát, chính sách lao động, đến những vấn đề xã hội nổi cộm như mất trật tự, an ninh, nhà ở, đời sống văn hoá, môi trường, sức khỏe người dân… Nguyên nhân do khi đất nông nghiệp bị thu hồi làm cho những người nông dân bị mất quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp dẫn đến những hậu quả kinh tế – xã hội lâu dài nhiều khi khó lường hết trước được.
Các đại biểu trình bày tham luận và trao đổi tại Hội thảo
Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá tác động về mặt kinh tế - xã hội toàn diện chính thức của các chương trình, dự án và các kế hoạch hành động của các cấp chính phủ, địa phương cũng như tư nhân đối với các cộng đồng có dự án. Việc đánh giá các tác động thường được lồng ghép hoặc chỉ nằm trong một bộ phận cấu thành nào đó trong các đánh giá dự án. Hạn chế trên theo nhiều chuyên gia phân tích thì có thể phát sinh từ những khó khăn trong việc đo lường chính xác những lợi ích hay thiệt hại về mặt kinh tế - xã hội mà dự án gây ra do chúng có tính chất định tính, vô hình hoặc khó có thể lượng hóa. Do đó, những thông tin chính xác liên quan đến đánh giá và dự báo tác động đến kinh tế - xã hội của các dự án đến các khu vực bị ảnh hưởng là rất hạn chế và không có nhiều nghiên cứu làm được.
Nguồn: neu.edu.vn