Khu CNC Hòa Lạc giữ vững tiêu chí, quy hoạch trong thu hút đầu tư

Là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập và là khu công nghệ cao duy nhất không trực thuộc chính quyền địa phương. Đến nay, sau gần 23 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang dần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đô thị sinh thái và thông minh; là vườn ươm công nghệ cao, đóng vai trò như một cửa khẩu công nghệ cao quan trọng của Việt Nam.

Tháng 7 13, 2022 - 18:21
Tháng 3 5, 2024 - 21:01
 0  17
Khu CNC Hòa Lạc giữ vững tiêu chí, quy hoạch trong thu hút đầu tư

Nhà máy Hòa lạc 1 được đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại của Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Khu CNC Hòa Lạc)

Giữ vững các tiêu chí và quy hoạch trong thu hút đầu tư

Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu và định hướng xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Khu CNC) trở thành một thành phố khoa học và công nghệ; một đô thị sinh thái và thông minh; là nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Phòng lab với thiết bị hiện đại của Viện Thực phẩm chức năng (Khu CNC Hòa Lạc)

Theo ông Trần Đắc Trung- Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: “Chúng tôi không vì mục tiêu thu hút nhanh để lấp đầy, với mỗi dự án, chúng tôi đều phải xem xét, đánh giá bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về khu công nghệ cao, bảo đảm các quy hoạch, định hướng phát triển khu cũng như định hướng phát triển của vùng Thủ đô. Đó là: Nguồn nhân lực công nghệ cao, công nghệ mới công nghệ cao, các sản phẩm công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư phải hình thành một hệ sinh thái cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

“Các dự án đến với Khu CNC Hòa Lạc đều đảm bảo các tiêu chí, mục tiêu ban đầu đã được Đảng và Chính phủ đề ra. Hiện tất cả các hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc đang dần tạo thành hệ sinh thái cho quá trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chỉ cần thông qua công tác quy hoạch, giữ vững các mục tiêu, tiêu chí khi thu hút đầu tư vào đây vẫn được giữ vững trong suốt gần 23 năm qua đã phản ánh rõ nét điều đó”, ông Trần Đắc Trung khẳng định.

Cũng theo ông Trần Đắc Trung cho biết: Các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài thường có nhu cầu quy mô diện tích đầu tư lớn và tiến độ bàn giao đất khá nhanh, trong khi quỹ đất liền khoảnh với diện tích lớn tại Khu CNC Hòa Lạc không có nhiều, nếu có thì bị vướng mặt bằng chưa được giải phóng và không thể xử lý nhanh được để đáp ứng ngay yêu cầu của nhà đầu tư.

Nhiều trường hợp, các nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở,… Tuy nhiên, theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27-5-2016, Khu CNC Hòa Lạc đã được quy hoạch và phân chia các khu vực theo các chức năng cụ thể. Vì vậy, Ban quản lý không thể đáp ứng yêu cầu trên của nhà đầu tư.

“Các dự án đầu tư vào đây không có sự chậm trễ trong đầu tư, do các nhà đầu tư đều phải ký quỹ điều này thể hiện sự trách nhiệm cũng như “sức khỏe” của các nhà đầu tư. Do vậy với 100 dự án đã và đang đầu tư vào Khu CNC khi được cấp phép các chủ đầu tư đều bắt tay triển khai ngay”, ông Trần Đắc Trung chia sẻ.

Thiết bị kiểm tra độ chiếu sáng hiện đại của Công ty CP DT&C Vina (khu CNC Hòa Lạc)

Cơ sở hạ tầng và mặt bằng “sạch” đã sẵn sàng

Trong những năm qua, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; tích cực đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, kết nối trực tiếp với các hạ tầng của Thủ đô; đề xuất những chính sách, cơ chế quản lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển khu cũng như nhà đầu tư; tích cực cải cách thủ tục hành chính thông qua việc hiện thực hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước để ứng dụng vào Khu CNC Hòa Lạc một cách minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng nhất với các nhà đầu tư và tiến tới thực hiện điện tử hóa một số thủ tục hành chính theo lộ trình mà chính phủ cũng như của Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra.

Theo ông Trần Đắc Trung thì công tác giải phóng mặt bằng trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dành cho giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án phát triển hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc vay vốn ODA Nhật Bản đã hoàn thành phục vụ việc triển khai thi công dự án đảm bảo tiến độ. Ngoài ra, việc GPMB các dự án quan trọng trong Khu CNC Hòa Lạc như Trường Đại học Việt –Nhật, Trường Đại học Việt – Pháp và những điểm đen trong công tác GPMB tồn tại nhiều năm qua đã được giải quyết.

Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích đất đã GPMB của Khu CNC Hòa Lạc là 1.356 ha, diện tích còn lại cần GPMB là 226 ha. Ngoài ra, đối với công tác xây dựng các khu tái định cư thì riêng trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 03 khu tái định cư phục vụ GPMB riêng cho Khu CNC Hoà Lạc, trong đó có 01 khu tái định cư để di dời các đơn vị quân đội hiện đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động; 02 khu tái định cư cho các hộ dân, trong đó 01 khu 7,8 ha đã hoàn thiện và đi vào hoạt động; 01 khu 36 ha dự kiến hoàn thành vào năm 2022, hiện đã sử dụng để giao đất cho người dân. Còn trên địa bàn huyện Quốc Oai có Khu tái định cư Vai Réo phục vụ GPMB cho Khu Công nghiệp Bắc Phú Cát trước đây, do UBND huyện Quốc Oai làm Chủ đầu tư và được thực hiện bằng nguồn kinh phí của địa phương, hiện đã đi vào hoạt động.

Với mặt bằng “sạch” và cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, đây là điều kiện quan trọng để Khu CNC Hòa Lạc đón “làn sóng” các nhà đầu tư tìm đến đây trong thời gian tới. Hiện nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã và đang xúc tiến các thủ tục để đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc điển hình như: 13 Dự án của Tập đoàn Vingroup về Tổ hợp nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đô la Mỹ; Mở rộng đầu tư dự án sản xuất động cơ máy bay của Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) với giá trị đầu tư ước tính khoảng 600 triệu đô la Mỹ; Dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Tập đoàn Viettel với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng; Dự án “Tổ hợp nghiên cứu công nghệ cao CMC” của Tập đoàn Công nghệ CMC với tổng vốn đầu tư trên 2000 tỷ đồng; Dự án Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương…

Với định hướng phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường. Hiện Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang hoàn thiện “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022 làm định hướng phát triển khu trong thời gian tới. Đồng thời Ban quản lý cũng đã xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong tình hình mới, phù hợp với Nghị quyết số 50/NQ-TƯ ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị

“Chúng tôi đặt mục tiêu trong 3-5 năm tới, phải giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và kết nối trực tiếp với các hạ tầng của Thủ đô. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiến tới thực hiện điện tử hóa một số thủ tục hành chính”, ông Trần Đắc Trung cho biết.

Nguồn: kinhtevn.com.vn