KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC - ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam và quốc tế như Vingroup, FPT, Viettel, Nissan.. Các tập đoàn này đã và đang xây dựng các nhà máy, cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao Hòa Lạc, đây là cơ sở để khu công nghệ cao này phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ trong khu công nghệ cao Hòa Lạc
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Trong số đó, Hòa Lạc là cực động lực phát triển nhất của Hà Nội và vùng Thủ đô.
Đây là hạt nhân trung tâm thu hút dự án đầu tư mới và là đô thị vệ tinh đứng đầu về quy mô phát triển các khu CNC, công nghiệp sạch. Những chuyển động tại Khu CNC Hòa Lạc thời gian gần đây là minh chứng cho thấy, đô thị Hòa Lạc đang có sự bứt phá tích cực khi các nhà máy lớn liên tục được mọc lên. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng được quy hoạch và đầu tư bài bản, hiện đại.
Hoàn thiện chính sách xét duyệt đầu tư dự án vào khu Hòa Lạc
Theo Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, quy hoạch tổng thể Khu CNC Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban quản lý đã và đang điều chỉnh, cập nhật lại quy hoạch một số khu chức năng để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phân khu và xúc tiến đầu tư.
Tính đến nay, tổng diện tích đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Ban quản lý 1.351/1.586 ha theo quy hoạch. Diện tích đã giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.
Đáng chú ý, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu cho công tác xúc tiến đầu tư, triển khai hoạt động của các dự án. Hiện, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc và UBND TP. Hà Nội đang phối hợp để thống nhất phương án vận hành hệ thống hạ tầng này.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến Khu CNC đã cơ bản được thể chế hóa trong Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, các luật thuế… Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 99/2003/NĐ-CP về quy chế khu CNC và xây dựng các tiêu chí để xét duyệt dự án đầu tư vào các khu CNC.
Nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư tại khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó 52 dự án đang hoạt động. Điểm nổi bật là đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ khác nhau trong khu.
Nhiều tổ hợp nhà máy sản xuất lớn đang hoàn thiện trong khu công nghệ cao Hòa Lạc
Trong đó, phải kể đến như Vingroup xây Tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại Vinsmart; Viettel khởi công xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC; Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu sản xuất thiết bị điện CNC, hay nhà máy sản xuất động cơ máy bay của Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (Tập đoàn Hanwha – Hàn Quốc)…
Các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu tại đây đã sản xuất nhiều sản phẩm CNC như: Công nghệ 4G, 5G, Rada cảnh giới biển; thiết bị y tế kỹ thuật số công nghệ cao; các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không, cấu kiện động cơ máy bay, mô-tơ điện một chiều không chổi than; điện thoại thông minh; khuôn mẫu kỹ thuật chính xác công nghệ cao; các sản phẩm dược phẩm…
Khu cũng đã hình thành mạng lưới một số viện nghiên cứu trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học phục vụ y tế; công nghệ cơ khí chính xác; công nghệ tự động hóa. Đồng thời, đang dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đây…
Khu CNC Hòa Lạc có khoảng 22.000 người đang học tập và làm việc; trong đó có gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động. Số lượng lao động có trình độ đại học trở lên đạt trung bình trên 50%, ở một số dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%.
Nguồn: datvandon.net