Lái xe công nghệ kiệt sức "săn" tiền thưởng
Trong khi đó, quy định hiện hành về thời gian làm việc, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế taxi, lái xe công nghệ còn nhiều bất cập khiến quy định này chưa được thực hiện nghiêm.
Vậy, cần tăng cường quản lý, giám sát về thời gian làm việc đối với các tài xế công nghệ ra sao? Và xem xét điều chỉnh quy định về thời gian làm việc của tài xế thế nào cho hợp lý?
21h tối, một tài xế chạy xe 4 bánh của hãng Gojek chia sẻ, mặc dù đã mệt mỏi khi bắt đầu đi làm từ sáng sớm nhưng kết thúc chuyến đi này anh vẫn chưa thể nghỉ ngơi bởi đang cố gắng đạt mức thưởng mà hãng đưa ra là 600-700 nghìn/ ngày:
“Dậy từ 5-6h sáng đi làm mà làm đến 11-12h đêm là bình thường, thiếu chuyến vẫn phải làm, phải làm nhiều thời gian”
Điều lo lắng nhất với tài xế Gojek này là gặp phải những xe máy lạng lách, đánh võng trên đường thì anh sẽ không còn đủ tỉnh táo để xử lý tình huống sau một ngày làm việc dài.
Với hầu hết tài xế công nghệ hiện nay, khoản tiền thưởng hoạt động cuối ngày từ các ứng dụng rất quan trọng.
Đây là một trong những nguồn thu chính giúp tài xế cải thiện thu nhập cũng như bù đắp vào chi phí nhiên liệu, ăn uống hàng ngày. Để nhận được khoản thưởng này, tài xế cần đáp ứng hai điều kiện gồm hiệu suất hoạt động và số điểm tích lũy do hãng quy định.
Tuy nhiên, một tài xế cho biết, việc chạy đủ chỉ tiêu để có thể nhận thưởng không phải dễ dàng, nhất là trong thời gian cao điểm, hay điều kiện bất lợi như mưa gió, tắc đường: “Giờ họ tính là 340 “ngọc” thì mới được 70 nghìn, 1 cuốc mới được 15 “ngọc” thì bao nhiêu cuốc mới được số ý mà cứ tắc đường đứng thế này, khó “nhá” lắm”, 100 người chạy thì chắc 10 người được thôi”.
Một trong những mục tiêu của chính sách thưởng mà các hãng công nghệ hướng đến là nhằm khuyến khích tài xế tích cực chạy xe trong giờ cao điểm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, vì thế, trong những thời điểm này, hãng thường đưa ra mức thưởng cao.
Nhưng cũng bởi để “săn” được nhiều điểm thưởng mà có tài xế bất chấp nguy hiểm, tìm mọi cách luồn lách để đi được nhiều chuyến trong giờ cao điểm. Chị Thu Trang ở Linh Đàm, Hà Nội chia sẻ, điều này khiến hành khách trên xe cảm thấy bất an:
“Dù đang gặp lúc đường đông nhưng tài xế lại đi rất nhanh, lạng lách thì mình khá thắc mắc, tài xế có chia sẻ là họ phải cố gắng trong thời điểm ấy nên dù bản thân không muốn đi lại vất vả như thế nhưng bắt buộc họ cố gắng. Đấy là áp lực với cả tài xế và cả người sử dụng dịch vụ như tôi”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, với chính sách thưởng của các hãng xe công nghệ hiện nay thì để đạt được mức thưởng ấy, các tài xế phải nỗ lực vượt bậc, có những người trên thực tế đã chạy quá 10 tiếng, thậm chí tới 17- 18 tiếng một ngày, lân sang cả ca đêm. Điều này có nguy cơ cao gây mất ATGT:
“Nó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người lái xe và sự minh mẫn, bình tĩnh và kỹ năng của người lái xe. Khi mà tình hình giao thông ngày càng phức tạp, khó lường thì sức khỏe của lái xe thiếu minh mẫn, tỉnh táo và sức khỏe yếu kém làm việc liên tục như thế thì rất khó điều khiển phương tiện và hệ lụy khôn lường, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trên đường”.
Trong khi đó, TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia ủng hộ các hãng xe công nghệ đưa ra chính sách khuyến khích tài xế nâng cao năng suất lao động và cải thiện thu nhập, nhưng phải dựa trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của tài xế:
“Khuyến khích nó chỉ đến giới hạn cho phép thôi, như tổng thời gian làm việc của tài xế trong một ngày là 10 tiếng và trong một lần lái xe không quá 4 tiếng thì chỉ được khuyến khích trong giới hạn đó, chứ không được vượt qua giới hạn đó, chứ không thể để người ta chạy đến 11 tiếng mới được thưởng”.
Để đảm bảo các tài xế công nghệ tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm về thời gian làm việc, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu kiến nghị:
“Các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm, kiểm tra tình hình, cần có giải pháp chấn chỉnh. Ở đây còn có vấn đề là trách nhiệm thuộc về chủ phương tiện hay đơn vị kết nối, điều hành phương tiện thì trách nhiệm đó phải làm rõ thuộc về ai để có chấn chỉnh cho phù hợp”.
Ông Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, các công nghệ giám sát hành trình hiện là cơ sở đầy đủ giúp cho cơ quan chức năng có thể kiểm tra lộ trình, giám sát hoạt động các xe taxi truyền thống và xe công nghệ một cách hiệu quả và dễ dàng. Đây cũng là căn cứ để tiến hành xử phạt trực tiếp hoặc phạt nguội với vi phạm nói chung và vi phạm về thời gian lái xe nói riêng.
Không để giới hạn bị vượt qua
Nhằm bảo đảm sức khỏe của tài xế cũng như sự an toàn của mỗi hành trình, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đặt ra giới hạn thời gian làm việc đối với mỗi lái xe, nhưng thực tế không phải tài xế nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.
Thậm chí, với riêng tài xế công nghệ để "săn" tiền thưởng, họ sẵn sàng vượt qua quy định. Vì thế cần những điều chỉnh hợp lý để quy định không chỉ nằm trên giấy và giới hạn khi đã đặt ra thì không được vượt qua.
Theo nhiều lái xe công nghệ, nếu không có thêm khoản tiền thưởng từ hãng thì doanh thu sau khi trừ tiền xăng xe, bảo dưỡng, khấu hao phương tiện không đáng là bao. Nên tiền thưởng sau một ngày lao động là khoản thu nhập quan trọng mà các tài xế công nghệ luôn mong muốn đạt được bên cạnh thu nhập từ các chuyến xe.
Đặc biệt sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid 19 thì hầu hết các tài xế đều mong muốn làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, họ sẵn sàng làm việc liên tục 15-17 giờ đồng hồ đến khi đạt được mức thưởng mới thôi.
Nhu cầu chính đáng này cần được các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu để có điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tăng thêm thời gian lao động, cải thiện thu nhập; đặc biệt trong điều kiện sức khỏe người lái xe được cải thiện tốt hơn trước và có khả năng làm việc kéo dài nên mong muốn “nới khung” thời gian làm việc là có cơ sở.
Mặt khác, lâu nay, quy định về thời gian làm việc thường bị các lái xe “phớt lờ”, nhất là khi các lái xe được sự tiếp tay của chính doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Bởi khi cần đáp ứng nhu cầu khách hàng, các doanh nghiệp vẫn không ngần ngại điều động lái xe chạy quá thời gian quy định mà việc xử phạt dường như rất hiếm hoi.
Nhiều ý kiến đã từng phản ánh, quy định về thời gian làm việc chỉ thích hợp áp dụng với tài xế xe khách, còn khi áp dụng với taxi thì có nhiều bất hợp lý do đây là loại hình vận tải không cố định theo tuyến.
Do đó, các đơn vị liên quan từng nhiều lần kiến nghị xem xét lại cách tính thời gian lái xe liên tục và tạm thời chưa xử phạt hành vi vi phạm này cho đến khi sửa đổi quy định, tuy nhiên tới nay, quy định này chưa có gì thay đổi.
Mặt khác, dù các tài xế công nghệ làm việc bất kể ngày đêm, quá thời gian quy định nhưng các hãng xe công nghệ chỉ tự nhận mình là bên cung cấp dịch vụ kết nối giữa hành khách và lái xe, còn lái xe chỉ là “đối tác độc lập” nên họ không chịu trách nhiệm khi tài xế vi phạm thời gian lái xe.
Điều này cần sớm được làm rõ, nghiên cứu và điều chỉnh trong Luật để có cơ chế kiểm soát, ràng buộc trách nhiệm các công ty công nghệ khi không thể trông chờ sự tự giác của tài xế và hình thức tăng ca, làm thêm của họ ngày càng phổ biến.
Thêm vào đó, cần có quy định đối với các hãng xe công nghệ khi đưa ra chính sách thưởng, khuyến khích tài xế của mình. Trong đó, cần phải bổ sung và có chế tài cho các doanh nghiệp công nghệ trong việc áp dụng mức doanh thu, mức thưởng để các tài xế không bị ép buộc vượt thời gian lao động khi muốn nhận thưởng.
Các hãng xe công nghệ có thể đưa ra các chính sách thưởng để khuyến khích, nhưng hình thức nào cũng phải dựa trên các quy định của pháp luật, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và đảm bảo ATGT.
Hiện, các hãng xe công nghệ đều có công cụ để kiểm soát và khống chế thời gian chạy xe trên đường của lái xe, vấn đề là làm sao để họ chú trọng và tuân thủ quy định này.
Việc sớm có chính sách mới về giờ làm việc cho tài xế với điều chỉnh phù hợp để tạo sự đồng thuận và nghiêm chỉnh chấp hành từ các hãng xe công nghệ, các doanh nghiệp vận tải đến mỗi người lái xe.
Điều này còn có ý nghĩa tạo điều kiện làm việc cho người lái xe, góp phần đảm bảo ATGT cho hành khách và những người tham gia giao thông.
Nếu không, chúng ta vẫn phải chấp nhận chuyện các hãng xe công nghệ vì tối đa lợi nhuận mà tung ra các mức thưởng, còn tài xế vì điểm thưởng mà làm việc quá sức tới ngất xỉu khi đang chở khách.
Nguồn: Sưu tầm!