Làng thi ca độc nhất vô nhị của Thủ đô
Làng Chùa là tên gọi nôm của làng Hoàng Dương (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa). Nơi đây được mệnh danh là “Ngôi làng của thi ca”. Từ nhiều năm nay, người làng Chùa luôn tự hào về mảnh đất quê hương không chỉ giàu truyền thống lịch sử mà còn có truyền thống hiếu học, lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức.
Hội thơ làng Chùa thu hút nhiều thành viên ở mọi lứa tuổi tham gia.
Làng thơ ca ven sông Đáy
Làng Chùa nằm kế bên dòng sông Đáy hiền hòa với bờ đê vững chãi. Nhìn từ trên đê xuống, ngôi làng trù phú, bình yên, có lẽ vì thế mà đất này người ta yêu thơ, yêu chữ nghĩa hơn nhiều thứ khác.
Qua nhiều thế hệ yêu thơ, nung nấu thành lập một hội thơ chuyên nghiệp, năm 1982, “Hội thơ làng Chùa” chính thức ra đời. Từ đó đến nay, hội thơ ngày càng phát triển và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân làng Chùa.
Mỗi tuần một lần, những người yêu thơ làng Chùa lại tập trung tại Nhà văn hóa thôn để cùng đàm đạo thơ ca. Họ cùng nhau bình luận, góp ý cho những tác phẩm mới. Những bài thơ đã được Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ làng Chùa thẩm định và thông qua sẽ được đọc trên loa phát thanh của thôn để bà con cùng thưởng thức.
Ông Lê Xuân Sủng, người thôn Hoàng Dương tự hào chia sẻ, khởi điểm của Hội thơ làng Chùa thật dung dị, do một số người yêu thích thơ ca nhân lúc nông nhàn cùng nhau sưu tầm các bài thơ hay, ý thơ đặc sắc rồi chép vào một cuốn sổ tay. Hết cuốn sổ này lại đến cuốn sổ khác, rồi cũng đến lúc mọi người nảy ra ý nghĩ cùng nhau làm thơ. Vậy là phong trào nhà nhà làm thơ, người người làm thơ bắt đầu được khởi xướng.
Người làng Chùa ai ai cũng được lớn lên trong lời ru của bà của mẹ qua những câu thơ do chính người làng sáng tác, vì thế mà thơ ngấm vào máu thịt họ. Những câu thơ do chính người làng sáng tác như: “Người ơi về với làng Chùa/ Quê hương khoai lúa chiêm mùa tốt tươi/ Gặp trong ánh mắt, nụ cười/ Tình quê còn nặng mà tươi tâm hồn/ Từng người, từng ngõ trong thôn/ Mang thơ dạy cháu, ru con mỗi ngày”… khiến ai cũng dễ dàng ngân nga.
Hơn 20 năm tồn tại và phát triển, Câu lạc bộ thơ làng Chùa đã xuất bản được 6 tập thơ như: “Từ những ngôi nhà”, “Đất ngàn năm”, “Giọng nói người làng Chùa”... Thơ của người làng Chùa là tiếng lòng của người dân nơi đây, là những xúc cảm, sẻ chia, tâm tình của những người con làng Chùa. Ngoài ra, nhiều bài thơ phê phán thói hư tật xấu cũng được phát trên loa phát thanh của thôn nhằm răn đe, giáo dục người dân. Có thể nói, đây là một nét văn hóa độc nhất vô nhị không chỉ của riêng Thủ đô mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa có một không hai trên cả nước.
Làng Chùa có 800 hộ với gần 1.300 nhân khẩu. Đối với người dân nơi đây, thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, nuôi dưỡng đời sống văn hóa của những con người tưởng như cả một đời chỉ biết đến đồng ruộng nơi thôn quê. Thơ của người làng Chùa xuất phát từ những mong muốn, ý nghĩ của người dân. Từ những em nhỏ đến các cụ già trên 90 tuổi đều yêu thơ và có thể làm thơ. Họ ngâm thơ mọi lúc, mọi nơi, khi đi làm đồng, lúc ngồi tán chuyện, khi vui hội chơi xuân và ngay cả khi dạy bảo, giáo dục con cái...
Người làng Chùa ngâm thơ mọi lúc, mọi nơi, khi đi làm đồng, lúc ngồi tán chuyện, khi vui hội chơi xuân và ngay cả khi dạy bảo, giáo dục con cái.
Mạch nguồn thi ca còn mãi
Từ bao năm qua, thơ vẫn như mạch nguồn chảy mãi trong tâm hồn mỗi người con làng Chùa tiếp nối từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Những vần thơ hồn hậu, dung dị mà chứa chan tình yêu quê hương, gia đình, cuộc sống.
Lý giải vì sao người làng Chùa yêu thơ, thích thơ, có lẽ một phần bởi phong cảnh hữu tình, làng quê mộc mạc, người ta dễ dàng xuất khẩu thành thơ. Ấn tượng đầu tiên với mỗi người khi đến thăm miền quê này chính là nét kiến trúc cổ kính của cổng làng, cùng với đó là khung cảnh bình dị, mang đậm phong vị văn hóa, nuôi dưỡng tâm hồn những người dân nơi đây.
Ông Ngô Mạnh Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công chia sẻ, thơ làng Chùa không bó hẹp ở địa phương, mà nhờ chất lượng, tiếng thơ đã được các câu lạc bộ thơ của nhiều tỉnh, thành phố cả nước đến chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, kết bạn rất sôi nổi. Ngoài ra, Câu lạc bộ thơ của địa phương cũng đã tổ chức được 2 cuộc thi thơ quy mô toàn quốc và 5 cuộc thi thơ cho lứa tuổi học trò trên địa bàn, được chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao, giúp xây dựng lớp trẻ yêu thơ, biết làm thơ, kế cận bền vững phong trào thơ của địa phương…
Người làng Chùa làm thơ để tình làng nghĩa xóm bền chặt, để người với sống với nhau tốt đẹp hơn. Dấu ấn thi ca in đậm trong mọi đời sống của người dân, từ trong lời ăn, tiếng nói, trong các công trình văn hóa, phúc lợi của địa phương.
Minh chứng là cổng làng đề 4 chữ “Vọng tự nhập xuất”, nghĩa là "Nhìn chữ để biết việc ra vào". Chữ còn có thể hiểu, đó chính là văn hóa, là tri thức, là sự thấu hiểu cuộc đời. Việc ra vào không chỉ đơn giản là sự đi lại thông thường mà chính là cách ứng xử với con người, với thiên nhiên. Kể từ khi dựng 4 chữ tại cổng làng này, trẻ em ngoan ngoãn hơn, học sinh đỗ đạt đại học nhiều hơn.
Trong hương ước của làng Chùa có viết: "Làng không phải làng Bảng nhãn, Thám nguyên nhưng là làng hiếu học từ ngàn xưa. Làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức. Mừng thay! Mừng thay! Đất này đã sinh ra những thi sĩ…”.
Từ ý tưởng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, làng đã quyết định đặt làm 22 tấm biển sắt viết 44 lời người làng Chùa lên đó. Nhưng có những câu nói, lời dạy của cha ông thì không phải ai cũng biết.
Chính vì vậy, lời người làng Chùa được treo lên biển là một phương thức truyền tải và lưu giữ tốt nhất, rất bổ ích để chính người làng biết sống sao cho tốt đẹp, xứng đáng với truyền thống văn hóa của làng quê, gia đình và đẹp trong mắt những vị khách phương xa khi tới thăm.
Có thể kể đến các câu như: "Người làng Chùa lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức”; “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”; “Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”; “Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người”; “Một chữ có ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ oán thì sinh sâu bọ"…
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Công Vũ Văn Thanh cho rằng, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những người nông dân dùng thơ làm vũ khí để tuyên truyền cho các phong trào địch vận, bình dân học vụ, hũ gạo tiết kiệm, diệt giặc đói, giặc dốt… “Thơ làng Chùa không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làng Chùa làm nên giấc mơ cho người gieo trồng”.
Ngày nay, trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tiếng thơ làng Chùa mang hơi thở thời đại, đóng góp xây dựng quê hương trên mọi phương diện. Tiếng thơ cổ vũ người nông dân sản xuất giỏi, cổ vũ con em học hành giỏi giang và cổ vũ người già sống vui, sống khỏe, sống có ích…
Nguồn: nhipsonghanoi