Lời khuyên hữu ích cho các bạn tân sinh viên trước những cám dỗ tại nơi thành thị
Tuần lễ sinh hoạt công dân cho sinh viên đầu khóa được các trường đại học tổ chức một cách sáng tạo, cuốn hút...
Lời chào ấn tượng gửi sinh viên năm nhất
Tuần lễ định hướng cho tân sinh viên của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) là chuỗi hoạt động trải nghiệm đa dạng và phong phú cùng trò chơi thú vị. Tham gia mỗi hoạt động, các sinh viên mới gia nhập ngôi nhà VNUK được “đóng dấu” xác nhận trong “VNUK Passport” - hộ chiếu ưu tiên chỉ dành cho các thành viên. Thu thập số lượng con dấu vừa đủ, các tân sinh viên sẽ nhận được phần quà với những đặc quyền chỉ dành riêng cho chủ nhân sở hữu.
Trong 7 ngày, sinh viên năm thứ nhất của VNUK sẽ tham gia những trò chơi nhỏ như trang trí sổ tay, làm nến thơm, khắc tên gỗ, sáng tạo Bookmark; khám phá không gian sáng chế với trang thiết bị hiện đại và tự tay in tên của mình trên bản khắc gỗ. Ngoài thông tin cơ bản về quy định đào tạo, tân sinh viên còn được hướng dẫn các chương trình học thuật và dịch vụ hỗ trợ, lộ trình học tập và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đặc biệt, VNUK tổ chức hàng loạt workshop tâm lý như giai đoạn dễ bị stress và cách vượt qua stress ở môi trường đại học, sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn…
Sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Đông Á còn được học các chuyên đề thú vị về kỹ năng thế kỷ 21 gồm “thấu hiểu bản thân và định vị cuộc đời”, “phương pháp học đại học” và “thiết kế quãng đời sinh viên tuyệt vời, tâm lý và tình yêu nơi giảng đường” với các diễn giả và chuyên gia nổi tiếng như TS Lê Đình Hiếu, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và TS Đào Lê Hòa An. Ngoài ra, các em được làm quen với môi trường giảng đường đại học trên phần mềm elearning Canvas.
Tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng được hướng dẫn khai thác tài liệu tại thư viện và kho học liệu trực tuyến; làm quen với các khoa, bộ môn chuyên ngành, kỹ năng quản lý nội dung, lịch trình học tập. Các em cũng được tư vấn để chọn đăng ký các câu lạc bộ học thuật phù hợp với sở thích, sở trường.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã gửi thông điệp đến sinh viên mới nhập học, cần cẩn trọng với những lời chào mời, công việc làm thêm đầy hấp dẫn như môi trường làm việc thoáng, thu nhập cao, phù hợp với sinh viên. Thầy Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Kinh tế, cho biết: “Có những nội dung, nhà trường mời báo cáo viên thuộc lực lượng công an đến nói chuyện, trao đổi với tân sinh viên.
Từ câu chuyện người thật việc thật, sinh viên được cung cấp kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong điều kiện sống xa gia đình, ở môi trường hoàn toàn mới mẻ. Những kỹ năng, kiến thức căn bản được hình thành từ Tuần lễ định hướng, cùng với hoạt động bổ trợ từ các câu lạc bộ, đội, nhóm sẽ góp phần tạo sức “đề kháng” cho tân sinh viên tránh được sai lầm không đáng có, tập trung tốt cho mục tiêu học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng trong những năm tháng học tập ở giảng đường đại học”.
Nhà trường cũng nhấn mạnh rằng, nếu gặp khó khăn trong sinh hoạt, tài chính, trước hết hãy liên hệ với các tổ chức đoàn thể của trường hoặc với giảng viên để được hỗ trợ bước đầu.
Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia kiểm tra sức khỏe sau khi nhập học.
Thiết kế quãng đời sinh viên thật ý nghĩa
TS Đào Lê Hòa An đưa ra 5 kiểu sinh viên dễ trở thành “thất nghiệp viên” bao gồm Hệ “thụ động” ngồi yên chờ đợi, biết cũng không phát biểu; Hệ “gà công nghiệp” giỏi lý thuyết mù thực hành; Hệ “đổ lỗi”; Hệ “mơ hồ” hay Hệ “hưởng thụ”. Đây là những kiểu mà các tân sinh viên cần nhận biết và tránh mắc phải.
TS Đào Lê Hòa An chia sẻ với tân sinh viên Trường ĐH Đông Á nên tìm một công việc làm thêm. “Thế nhưng, đi làm thêm cũng cần có sự lựa chọn để bên cạnh việc kiếm tiền thì công việc đó phải mang đến cơ hội tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp sau này cho bản thân. Chẳng hạn như có thể làm gia sư khi học về sư phạm, làm cộng tác viên viết bài khi học truyền thông hoặc ngành ngôn ngữ”, TS Hòa An nhấn mạnh.
Minh Quân – sinh viên khóa 2020 tại VNUK - chia sẻ: “Từ những chủ đề trong Tuần lễ định hướng cho tân sinh viên, em đã chuẩn bị tâm lý để thích nghi với môi trường học tập mới, khác hoàn toàn so với việc học THPT. Bản thân dần tự tin đứng trước mọi người để trình bày quan điểm cá nhân, đủ hiểu biết để làm những điều mình muốn. Em cũng nhận thấy rằng, nếu mạnh dạn đứng dậy và bước ra vùng an toàn của mình, chấp nhận thử thách và nắm bắt cơ hội thì có thể tỏa sáng ở mọi lúc, mọi nơi”.
Còn TS Tâm lý Hoàng Nguyễn Khắc Hiếu khuyên các tân sinh viên cần phải học kỹ năng quản lý thời gian, tự chủ kế hoạch học tập. “Học sinh phổ thông chỉ cần học và thi y như nội dung học trên lớp là có thể được điểm cao nhưng với sinh viên, học và thi y như trên lớp thì chỉ nhận được điểm trung bình. Học đại học là tự tư duy và học bằng trải nghiệm thực tế.
Một sinh viên thành công phải có 3 thứ: Chuyên môn – kỹ năng – thái độ. Thường sinh viên hay bỏ quên hai yếu tố sau, thậm chí ngay cả yếu tố chuyên môn nhiều khi cũng thiếu nốt. Nếu vậy, sau tốt nghiệp sẽ chỉ đạt chưa tới 33% so với yêu cầu của xã hội!”, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lưu ý.
Thầy Trần Quốc Hùng cảnh báo, ngoài việc bị rủ rê tham gia các dự án kinh doanh, sinh viên cũng phải cảnh giác trước những lời mời chào tham gia hội, nhóm ở bên ngoài trường học. Có những hội, nhóm núp dưới danh nghĩa hỗ trợ việc làm, học tập để lôi kéo sinh viên gia nhập tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng… Vì vậy, tân sinh viên cần cẩn trọng với những mối quan hệ mới. Trong đó, không loại trừ việc bị lôi kéo từ chính các sinh viên khóa trước, dưới danh nghĩa đồng hương, đồng khoa…
Nguồn sưu tầm.