Lưu học sinh quốc tế trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam
Sáng 6/1, sinh viên quốc tế của Trường Đại học Hà Nội đã được trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình Tết Việt 2023.
Ông Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng nhà trường phát lì xì cho sinh viên quốc tế của trường (Ảnh: MH).
Chương trình nhằm giúp lưu học sinh đang học tập tại trường được có cơ hội tìm hiểu về lễ hội truyền thống lớn của Việt Nam và thưởng thức các hương vị, món ăn cổ truyền, tham gia các trò chơi dân gian.
Tết Việt 2023 được tổ chức với nhiều hoạt động lễ hội phong phú. Chương trình đố vui có thưởng đã mang đến cho sinh viên quốc tế những kiến thức về phong tục đón Tết quen thuộc của người Việt như: Lễ cúng ông Công ông Táo; phong tục chọn và bày mâm ngũ quả; truyền thống gói bánh chưng; các nghi lễ đêm Giao thừa; phong tục chơi hoa Tết và đi lễ chùa đầu năm mới...
Phong bao lì xì của nhà trường thay cho lời chúc một năm mới thật may mắn, hạnh phúc gửi tới sinh viên quốc tế (Ảnh: M.H).
Các hoạt động vui chơi ngoài trời được đông đảo sinh viên hưởng ứng tham gia với những cảm xúc khác nhau.
Theo chia sẻ của một số sinh viên quốc tế, các em đã được học những kiến thức về Tết Việt nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm thực tế, giúp các em vừa hứng khởi vừa hiểu sâu sắc hơn những điều đã được học.
Các em được tham gia gói bánh chưng, học làm và rán nem là các trò chơi mang đậm nét văn hóa Việt như nhảy sạp, đập vỡ niêu...
Sinh viên quốc tế tập gói bánh chưng (Ảnh: M.H).
Cũng tại chương trình, các sinh viên quốc tế không giấu được niềm vui hân hoan khi được lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các đơn vị tặng phong bao lì xì với ý nghĩa thay cho lời chúc một năm mới thật may mắn, hạnh phúc.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, Tết Nguyên đán của người Việt Nam rất đặc biệt, độc đáo, rất riêng.
Sinh viên xin chữ ông đồ (Ảnh: M.H).
Tết là thời điểm trời đất giao hòa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tết diễn ra vào mùa xuân - thời điểm kết thúc một chu kì bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Tết còn là dịp đoàn viên, để sum họp, gắn kết mọi thành viên trong gia đình và cả xã hội.
Vào dịp Tết, mỗi người con đất Việt dù đang học tập, công tác ở xa cũng cố gắng về nhà sum vầy bên gia đình, bên bữa cơm có đông đủ các thành viên trong nhà, để chia sẻ những thành tựu đạt được trong năm qua và những ước vọng về tương lai.
Sinh viên nước ngoài tập nhảy sạp (Ảnh: M.H).
Tết còn là dịp để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà. Đây là nét truyền thống vô cùng quý giá, dạy dỗ con người Việt "Uống nước nhớ nguồn", truyền lại cho thế hệ mai sau những giá trị bất diệt của gia đình, tình thân.
Bởi vậy, bánh chưng không hẳn tượng trưng cho trời đất giao hòa mà còn thể hiện lòng thành kính, lòng biết ơn cha ông.
Sinh viên quốc tế hào hứng sau khi xin chữ từ ông đồ (Ảnh: M.H).
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Khoa Việt Nam học xúc động chia sẻ, các em sẽ được tham gia nhiều hoạt động tại chương trình như: Xin chữ ông đồ, tập gói bánh chưng, làm nem rán và tham gia một số trò chơi dân gian như nhảy sạp, đập niêu đất, nặn tò he…
Sinh viên tập nặn tò he (Ảnh: M.H).
Tuy nhiên, những gì các em được trải nghiệm ngày hôm nay tại đây chỉ là những nét vẽ phác thảo về Tết Việt.
Còn bức tranh sống động, lung linh rực rỡ sắc màu và đầy đủ nhất về Tết Việt thì đang ở ngoài kia - trên những con đường, những góc phố, những làng quê và trong chính trái tim người Việt.
Sinh viên nước ngoài tham gia trò chơi đập niêu ngày Tết (Ảnh: M.H).
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân hy vọng, những trải nghiệm về phong tục ngày Tết Nguyên đán giúp mỗi sinh viên quốc tế cảm thấy ấm lòng cũng như thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.
Đặc biệt qua những chương trình như này sẽ giúp sinh viên quốc tế gắn kết với nhau hơn và trở thành những chiếc cầu nối cho những nền văn hóa trên thế giới.
Trang Nhung: Báo Hòa lạc 24/7