'Luyện IELTS từ lớp 6 có thể là quá sớm'
TS Stanford Nguyễn Chí Hiếu tại hội thảo Cánh cửa vào đại học top đầu" Chìa khóa nào ngoài SAT và IELTS?" , chiều 11/2. Ảnh: Thanh Hằng
Khi chưa đủ nền tảng ngôn ngữ, việc luyện IELTS có thể khiến học sinh gặp khó khăn, dễ chán nản và mất động lực tự học, theo TS Nguyễn Chí Hiếu.
Tại hội thảo Cánh cửa vào đại học top đầu:Chìa khóa nào ngoài SAT và IELTS? do trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức chiều 11/2, TS Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu, cho rằng thời điểm phù hợp để luyện thi IELTS và các chứng chỉ chuẩn hoá sẽ khác nhau giữa từng học sinh. Dù vậy, nhiều em sẽ gặp khó khăn và những tác động không tốt, nếu luyện IELTS quá sớm, từ khi học tiểu học hay đầu THCS.
Thầy Hiếu nhận định ở độ tuổi này, nền tảng ngôn ngữ của học sinh chưa chắc chắn. Nếu luyện thi chứng chỉ, những thứ các em học được chủ yếu là mẹo, cách giải đề, thay vì hiểu và sử dụng ngôn ngữ thực sự. Thầy giáo này ví dụ nếu không đọc và tìm hiểu các tác phẩm bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, sau đó luyện cách viết văn, viết luận, học sinh cũng rất khó để giỏi tiếng Việt.
Là đồng sáng lập và điều hành Tổ chức Giáo dục IEG Global với nhiều chương trình dạy tiếng Anh, Toán, Khoa học, IELTS và kỹ năng chuyên sâu, thầy Hiếu không cho rằng học sinh thích việc luyện thi trường kỳ nhiều năm trời. Do đó, luyện thi từ sớm có thể khiến học sinh chán và mất động lực tự học.
"Trừ một số bạn có năng lực ngôn ngữ, tố chất, tư duy chín chắn trước tuổi, việc luyện thi IELTS từ lớp 6 có thể là quá sớm", thầy Hiếu nói.
Để du học, cùng với điểm trung bình học tập, hoạt động ngoại khoá, các chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn hoá đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo thầy giáo này, nhiều phụ huynh lầm tưởng việc con đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hoá nghĩa là đã có nhiều kỹ năng. Thực tế, đề thi IELTS không đo được tất cả năng lực nền tảng của người học. Một học sinh đạt 7.0 IELTS Writing chưa chắc viết được một bài văn sáng tạo, 8.0. IELTS Reading cũng vẫn có thể chật vật khi đọc một quyển sách 200 trang.
"Các kỳ thi không bao giờ bao hàm được năng lực của một đứa trẻ, cũng chưa chắc giúp các em thành công trong đại học", thầy Hiếu nói, nhìn nhận nhiều học sinh Việt trúng tuyển đại học top đầu thế giới, nhưng không phải ai cũng thích nghi và phát triển được ở môi trường mới. Trích lại một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), thầy Hiếu cho biết sinh viên từ những ngôi trường hàng đầu vẫn thiếu nhiều kỹ năng mềm, như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy đa chiều, tác phong chuyên nghiệp.
"Việc học phổ thông thời nay, hầu hết chỉ chăm chăm giúp học sinh vào được đại học, chứ ít nghĩ đến việc bọn trẻ vào được đại học, rồi thì sao?", thầy Hiếu nói, cho rằng cần có cách tiếp cận và cường độ học IELTS, SAT phù hợp.
Với giáo viên, thầy cô có thể dùng chất liệu của các bài đọc hiểu, cho học sinh đọc kỹ, cùng thảo luận nội dung, sau đó phản biện hoặc chọn một luận điểm để viết luận. Khi đó, các em sẽ được phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng phản biện và làm việc nhóm.
Học sinh nên đọc thêm sách, xem video và các tài liệu tiếng Anh, viết những bài luận với định dạng khác với bài thi viết của IELTS. Tiến sĩ Stanford đánh giá những hoạt động này sẽ mang đến nhiều giá trị hơn là chỉ luyện thi, học mẹo, tìm từ khoá rồi khoanh hay điền đáp án.
"Luyện thi chứng chỉ giống với việc ăn một món giàu dinh dưỡng. Một tuần ăn vài ngày rất tốt cho cơ thể, nhưng đừng ăn cả 7 ngày. Cái gì quá cũng không tốt mà cần điều độ, cân bằng hơn", thầy nói.
Trang Nhung