Ngành sản xuất xảy ra hiện tượng ‘lạ’ chưa từng có vào cuối năm, Việt Nam cần thay đổi điều gì?
Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2022, lần đầu tiên Việt Nam xảy ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, buộc phải cắt giảm lao động. Đối mặt với hiện tượng “lạ” chưa từng có vào cuối năm cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi về phương hướng sản xuất để bắt kịp với xu hướng phát triển xanh tất yếu của thế giới. Các bạn cùng tham khảo thông qua bài viết của Hòa Lạc 24/7 dưới đây nhé.
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho rằng, áp lực từ lạm phát, cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do chiến tranh và lãi suất cao đang đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng cầu thế giới sụt giảm, đơn hàng sụt giảm. Trên thực tế, từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng và ghi nhận tăng trưởng âm, trái với quy luật thường kỳ mọi năm. Trong bối cảnh cầu thế giới giảm, một trong những đối thủ của dệt may Việt Nam là Bangladesh lại ở trong tình trạng “làm không đủ bán”.
Theo Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, Bangladesh đã nhanh chân trong việc thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may và thay đổi bộ mặt cho ngành dệt may rất nhanh khi trước đây, các nhà máy tại quốc gia này có điều kiện tồi tàn, thậm chí là có tai nạn lao động. Nhưng đến nay nhiều nhà máy của họ đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, bằng chứng là 9/10 nhà máy “xanh” của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh.
Có thể thấy rõ xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới là chuyển đổi dần sang con đường xanh: xây dựng xanh, sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu, năng lượng xanh và tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022 (GEFE 2022) do EuroCham Vietnam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội EuroCham, cho rằng, phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đều đặt ra các yêu cầu, tiêu chí đánh giá liên quan tới sản xuất “xanh”, sản xuất bền vững. Chẳng hạn, hãng Adidas yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu Việt Nam phải giảm 50% lượng nước, giảm 20% năng lượng và 75% lượng giấy sử dụng trên mỗi nhân viên.
Chia sẻ tại sự kiện “Green Path - Con đường xanh” tổ chức ngày 15/1/2022, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, xu thế hiện nay của ngành thời trang thế giới là phải bảo vệ môi trường bằng cách cho ra đời những sản phẩm xanh. “Từ nguyên liệu trở đi phải ‘sạch’ và ngay cả người lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng phải được thực hiện quyền của họ. Theo trào lưu này doanh nghiệp Việt không có lựa chọn nào khác và phải phát triển bền vững” , bà Mai cho biết thêm.
Cũng theo bà Mai, trên thực tế, ngành dệt may Việt Nam đã triển khai chương trình “xanh hóa” vào cuối năm 2018 và hiện cũng có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư theo hướng này. “Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn”, bà Mai chia sẻ. Việc đầu tư, triển khai các dự án đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững cần rất nhiều nguồn lực về vốn, công nghệ và con người nên doanh nghiệp cần phải có lộ trình chuyển đổi từng bước.
Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp. Mâu thuẫn nói trên khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn làm sản phẩm xanh, bền vững mà mới chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh.
Theo khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu, 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh…
Ngoài ra, hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh nên doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động.
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti nhận định: “Đây là thời gian rất phù hợp để Việt Nam xem xét công nghệ mới nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Điều này không phải là lý thuyết xa vời mà là hiện hữu để hướng tới phát thải ít hơn, đặc biệt là nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta phải chuyển những thách thức thành cơ hội” .
“Chúng ta cùng chung ‘một cuộc chiến’” , Đại sứ EU chia sẻ.
Tại Việt Nam, trong năm 2022 vừa qua, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã có sự dịch chuyển sang kinh tế xanh. Ngày 3/11/2022, Tập đoàn LEGO đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy bền vững lớn nhất thế giới của Tập đoàn trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương. Sự kiện này không chỉ góp phần “hâm nóng” dòng vốn FDI mà còn như một lời khẳng định về xu hướng “xanh hóa” dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Ngoài ra, LEGO đầu tư thêm một trang trại điện mặt trời có công suất 50MW chỉ để phục vụ hoạt động sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, tất cả bao bì của LEGO sẽ được làm từ vật liệu tái chế để người tiêu dùng sẽ dễ dàng tái sử dụng.
Buổi ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Pandora và Công ty Liên doanh KCN Việt Nam – Singapore tháng 5/2022 tại Bình Dương
Bên cạnh LEGO có không ít các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam theo hình thức FDI xanh, phát triển bền vững trong năm 2022. Ngày 12/5/2022, Pandora, thương hiệu trang sức Đan Mạch, đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3, Bình Dương với giá trị đầu tư 100 triệu USD.
DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, cũng đã khánh thành trung tâm khai thác mới nhất tại Việt Nam với các công nghệ được trang bị giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường và tối ưu hiệu suất hoạt động. Chẳng hạn, hệ thống điều hòa không khí sử dụng công nghệ VRV (Variable Refrigerant Volume), quạt trần công nghiệp và phương tiện giao nhận được vận hành bằng điện năng.
Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của Trung Nam Group tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 3/11/2022, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, đằng sau việc xây dựng nhà máy đầu tiên theo cam kết Net Zero Carbon của Lego có thể thấy thông điệp mà những tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới đã gửi đến lãnh đạo các nước. “Chính phủ nào, đất nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng sạch cho các tập đoàn thì quy mô nguồn vốn, quy mô đơn hàng sản xuất sẽ rơi vào nước đấy” , bà Hiền chia sẻ.
“Điều này có nghĩa là chúng ta chậm chuyển đổi năng lượng ngày nào thì sẽ làm suy yếu năng lực xuất khẩu cũng như suy yếu tính cạnh tranh của sản phẩm Made in Việt Nam”, bà Hiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, cũng khẳng định: “Xu thế không có cách nào khác. Nếu mình không theo dòng xoáy đó, mình sản xuất ra không ai mua đâu, bởi cấm nhập - xuất mà. Cái này không xanh, dừng lại!”
Hiện tại, Việt Nam đã có chiến lược về tăng trưởng xanh toàn quốc, từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến dịch vụ. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050. Không chỉ LEGO mà các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đánh giá cao cam kết này của Thủ tướng.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết, hiện nay, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Ban quản lý khu công nghiệp đã bắt đầu có sự thay đổi từ tư duy kinh tế tuyến tính, tức là chỉ thực hiện một quy trình và xử lý chất thải bằng đường xả thải, sang kinh tế tuần hoàn.
Ông đánh giá: “Đây là một điều không hề dễ để các nhà lãnh đạo địa phương cũng như Ban quản lý có thể tiếp cận được” .
Chia sẻ thêm về các chuyến đi khảo sát tại các tỉnh, thành, Giáo sư cho biết: “Hầu hết tại các địa phương, những dự án FDI không có tư duy về kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh sẽ không được chấp nhận” .
Hơn nữa, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi vào Việt Nam họ cũng thấy chủ trương của Việt Nam về tăng trưởng xanh phù hợp với xu thế của thế giới. Không chỉ LEGO, mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đều có chiến lược về tăng trưởng xanh, tùy thuộc vào tiềm năng hoạt động của từng lĩnh vực. GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng: “ Đây có thể nói là một chuyển biến rất quan trọng và chắc chắn rằng từ năm 2023 trở đi, chúng ta sẽ càng ngày càng có hiệu quả hơn trong việc thu hút FDI đảm bảo tăng trưởng xanh ”.
“Đồng thời Việt Nam có những lợi thế mà rất nhiều nước mong muốn và được nhiều tổ chức đánh giá rất cao. Việt Nam nổi lên như một tiềm năng lớn nhất về thu hút FDI ”, Giáo sư chia sẻ.
Về chính trị, ở Việt Nam không có đảo chính rồi thường xuyên thay đổi chính phủ như Malaysia, hay như ở Thái Lan là chính phủ quân sự cầm quyền.
Về kinh tế vĩ mô, trong năm 2022, Việt Nam đã làm tốt trong việc kiểm soát lạm phát khi con số chỉ ở mức 3,15%, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Ngoài ra, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện nhằm thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao.
“Nếu như đồng USD tại nhiều quốc gia mất giá khoảng 20 - 30% trong năm 2022 thì Việt Nam chỉ mất giá khoảng 8%. Có thể nói, chúng ta có sự ổn định về thị trường cùng với sự ổn định chính trị, điều này tạo ra tạo ra một môi trường hấp dẫn. Các đối tác và người nước ngoài đến Việt Nam đều đánh giá đây là điểm đến đầu tư, nơi làm việc tốt nhất so với các nước trên thế giới” , ông Mại cho biết.
Nguồn: Sưu tầm