Nhiều tập đoàn lớn đã đến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Sau khi có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguồn vốn…, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có hơn 700 ha đất sạch, hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ.
Đây là cơ sở để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chuyển sang giai đoạn bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ, hướng đến mục tiêu phát triển các sản phẩm chủ lực công nghệ cao.
Một góc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: Viết Chung)
Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng, trên tổng diện tích khoảng 376 ha.
Tại đây có các dự án hỗ trợ của Chính phủ và doanh nghiệp các nước: Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST); Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Dự án Đại học Việt - Nhật; Dự án Đại học Việt - Pháp.
Các dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã có mặt tại đây như: Hai dự án của Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mô-đun nhiệt hiệu năng cao, mô-tơ điện một chiều không chổi than; dự án của Tập đoàn Hanwha AeroSpaces (Hàn Quốc) sản xuất các bộ phận và cấu kiện của động cơ máy bay và động cơ gas tua-bin công nghiệp.
Đáng chú ý, có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam cùng các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel (năm dự án); Tập đoàn Vingroup (ba dự án); Tập đoàn FPT (bốn dự án); Tập đoàn VNPT (hai dự án)…
Các dự án đầu tư trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có tỷ lệ nghiên cứu và phát triển khá cao, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua.
Nhiều sản phẩm công nghệ cao được sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có giá trị gia tăng cao đã thay thế hàng nhập khẩu và tham gia thị trường thế giới, như: Ra-đa cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G; giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IoT, Akabot, Akachain; cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không; mô-tơ điện một chiều không chổi than và thiết bị tản nhiệt; hệ thống bảo vệ điều khiển tích hợp trạm biến áp; các tủ điện hạ thế, trung thế với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới.
Phân tích hoạt chất trong sản phẩm tại Viện Thực phẩm chức năng (Khu Công nghệ cao Hòa Lạc)
Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, một trong những định hướng phát triển thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển các sản phẩm công nghệ cao, mang dấu ấn là các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Thủ đô Hà Nội.
Mặc dù chưa phát triển được như kỳ vọng, nhưng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng để thực hiện được mục tiêu đó. Đó là đã có Đại học FPT đi vào hoạt động, Đại học Việt - Pháp, Đại học Văn Lang... đang triển khai xây dựng. Đây là những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xã hội nói chung và trực tiếp cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng. Các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp như Viện V-KIST, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Đo lường, các trung tâm kiểm thử,...
Việc các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước đã lựa chọn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm của mình sẽ là cơ sở để hình thành các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực từ đây.
Bên cạnh đó, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã đi vào hoạt động và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đang triển khai xây dựng với cơ sở hạ tầng tốt sẽ là những vườn ươm công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển sản phẩm công nghệ cao trở thành sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực tại Khu Công nghệ cao cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, như ban hành chương trình khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm trọng điểm công nghiệp tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần chủ trì thực hiện chương trình nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia của khu theo chuỗi giá trị, trong đó phối hợp thực hiện theo mục tiêu, nội dung của các chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao quốc gia.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí các chương trình hỗ trợ phát triển, chương trình khoa học và công nghệ thí điểm cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc quản lý và tổ chức thực hiện, ngân sách nhà nước cấp vốn, nhằm thúc đẩy nhanh các hoạt động hình thành công nghệ và sản phẩm công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Nguồn: nhandan.vn