Những bí kíp nằm lòng khi mua ô tô cũ, tránh 'tiền mất tật mang'

Không ít người mua ô tô cũ do chưa có kinh nghiệm đã "vớ" phải chiếc xe lỗi, hay trục trặc hoặc gặp những vấn đề về pháp lý. Lúc này, chủ xe lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang".

Tháng mười hai 7, 2023 - 18:40
Tháng 3 19, 2024 - 10:26
 0  7
Những bí kíp nằm lòng khi mua ô tô cũ, tránh 'tiền mất tật mang'

Mua xe ô tô cũ đòi hỏi người mua cần rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Cùng với sự phát triển của thị trường ô tô trong nước vài năm trở lại đây, xe ô tô cũ cũng ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi mua bán nhanh chóng, chi phí rẻ hơn nhiều so với xe mới và ít sợ mất giá trong quá trình sử dụng.

Tuy vậy, không ít người sau khi mua xe đã lâm phải cảnh "tiền mất, tật mang" vì chiếc xe có chất lượng không được như kỳ vọng, thậm chí mua phải xe lỗi, thường xuyên "nằm gara" hoặc xe dính các vấn đề về pháp lý,...

Trao đổi với phóng viên, anh Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Kiên Phong (Hà Nội) cho rằng, khác với mua ô tô mới, việc "tậu" cho mình một chiếc xe cũ đòi hỏi sự công phu từ công đoạn tìm kiếm, xem xét, đánh giá, đàm phán giá cả,... 

"Mua xe cũ có thể gặp khá nhiều rủi ro. Do đó, trong quá trình xem xét, đánh giá, người mua nên có một danh sách dài các hạng mục cần kiểm tra từ trong ra ngoài của chiếc xe bao gồm thân vỏ, gầm, hệ thống treo, lốp, động cơ, hệ thống điện, các cánh cửa, kính, nội thất, ghế ngồi,.... và tổ hợp chúng lại để có đánh giá chính xác nhất", anh Kiên chia sẻ.

Ngoài những nhận định về kỹ thuật, anh Dương Trung Kiên còn đưa ra một số lưu ý quan trọng dành cho những người đang và sẽ mua ô tô đã qua sử dụng như sau:

Xe phải "đều", không nên mua xe lỗi

Ô tô cũ là sản phẩm sẽ phải hao mòn, xuống cấp theo thời gian, do đó chắc chắn sẽ khó có thể đòi hỏi tình trạng xe đẹp như mới được. Tuy vậy, nội ngoại thất của chiếc xe phải "đều", nếu có những chi tiết mới bất thường, có thể nó đã được thay thế và người mua nên đặt dấu hỏi về việc này.

Anh Kiên cho rằng, khi mua ô tô để sử dụng cần tránh xa những chiếc xe đã bị tai nạn, đâm đụng, ngập nước, lỗi động cơ, hộp số,... kể cả giá có rẻ đến đâu bởi sẽ rất phiền phức, tốn kém, mất an toàn, trong quá trình sử dụng về sau.

Ngoài ra, những chiếc xe đã từng chạy dịch vụ, xe bị phát hiện tua đồng hồ công-tơ-mét (ODO), xe không có lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa rõ ràng hoặc chiếc xe đã quá cũ cũng không nên mua.

Chiếc xe dù đã "mông má" trước khi bán nhưng ít nhiều sẽ lộ ra những nhược điểm (Ảnh: Thế Bằng)

Đảm bảo lý lịch "sạch"

Rất nhiều chiếc xe được rao bán nhưng giấy tờ không đầy đủ, xe thuộc diện tịch thu của ngân hàng, thậm chí là xe trộm cắp, "chồng xác", dùng giấy tờ giả hoặc thậm chí là không có giấy tờ,... Đây cũng là những trường hợp cần tuyệt đối tránh xa.

Để hạn chế điều này, người mua nên tránh mua bán trao tay mà cần yêu cầu chủ xe rút hồ sơ và đăng ký lại về tên chính chủ theo quy định. Nếu có thể, nên mua lại xe của người quen, đã biết rõ lai lịch của xe hoặc tìm đến những cơ sở bán xe cũ uy tín, có cam kết và bảo đảm về nguồn gốc và chất xe.

Đừng ngại lái thử

Thử trải nghiệm vận hành là một trong những điều bắt buộc khi mua xe cũ. Ngay cả bạn là lái mới và cảm thấy mất tự tin khi cầm vô lăng cũng hãy mạnh dạn ngồi lên ghế lái và điều khiển xe. Nên lái thử ở nhiều địa hình khác nhau như đường phố, đường trường và loại đường xấu gồ ghề để có trải nghiệm và đánh giá chính xác nhất.

Hãy để ý đến những vấn đề sau: Cảm giác ngồi trong xe có chắc chắn, êm ái không? Động cơ, hộp số có "ngọt" không? Xe có phát ra những tiếng kêu gì bất thường không?... Ngoài ra, trong quá trình lái thử có thể kiểm tra hệ thống điều hoà, âm thanh, các phím chức năng,... và đảm bảo chúng phải được hoạt động tốt.

Đừng ngại ngần ngồi lên và lái thử xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Đi xem nhiều xe để có sự so sánh

Khi mua xe ô tô cũ, người mua thường bị người bán "thôi miên" bởi những lời giới thiệu có cánh về chiếc xe. Lúc này người mua chỉ chú ý đến những điểm mạnh của xe mà ít quan tâm đến những thiếu sót, thậm chí rất dễ "chốt" vì sợ nếu không mua ngay thì người khác sẽ mua mất.

Những người có kinh nghiệm khuyên rằng, cần tỉnh táo, tránh đưa ra quyết định quá vội vàng. Với một mẫu xe bạn đã nhắm đến, nên liên hệ đi xem nhiều chiếc ở nhiều nơi khác nhau để có sự so sánh về chất xe và giá cả một cách khách quan nhất. 

Đàm phán mức giá hợp lý

Khi đã "kết" một chiếc xe nào đó, công đoạn đàm phán để có mức giá hợp lý, phù hợp với tình trạng xe và khả năng tài chính của bản thân cũng cực kỳ quan trọng.

Nên dựa vào những điểm "trừ" của xe như những hỏng hóc nhỏ hay các lỗi khiếm khuyết về nội ngoại thất để làm cơ sở đòi hỏi người bán phải giảm giá thêm. Người bán xe dù là cá nhân hay showroom cũng đều muốn đẩy thật nhanh, do vậy người mua cũng nên thể hiện thiện chí sẵn sàng đặt tiền nếu được giá.

Các chuyên gia khuyên rằng, nếu là người không có kinh nghiệm và chuyên môn, nên tìm mua xe ở những showroom ô tô đã qua sử dụng lớn, uy tín, có cam kết rõ ràng.

Tại đây có đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm đã kiểm tra kỹ càng tình trạng kỹ thuật cũng như pháp lý của xe, do vậy có thể phần nào yên tâm hơn. Tuy nhiên, khi tìm đến những địa chỉ như vậy, người mua xác định sẽ phải chi trả mức giá cao hơn so với mua trực tiếp từ người sử dụng một chút.

Ngoài ra, khi đi mua ô tô cũ, nên nhờ một người bạn có am hiểu về xe hoặc thợ quen cùng đi để kiểm tra, đánh giá và đưa ra những tư vấn chính xác nhất.