Những kịch bản sáng tối về thị trường bất động sản năm 2023
Theo ông Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng lên 1,5-2% thời điểm cuối năm đã tạo thêm một nguồn vốn đáng kể cho thị trường đang khát vốn trầm trọng. Dù có thể chưa tạo nên những biến chuyển lớn nhưng đây cũng là yếu tố kích hoạt sự ấm lên của thị trường thời gian tới, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán.
Dự báo về kịch bản bất động sản năm 2023, ông Chung đưa ra 3 kịch bản, trong đó có cả kịch bản sáng và tối.
Kịch bản thứ nhất, thị trường sẽ được điều chỉnh theo hướng thực chất. Tức là thị trường sẽ có sự cân đối về tính chất sản phẩm được đưa ra thị trường, có thể các dòng hạng sang, cao cấp sẽ giảm tỷ trọng trên thị trường. Ông cho rằng, đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.
Với kịch bản thứ hai, khi 3 bộ luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành và thông qua trong năm tới cùng với nguồn vốn tín dụng được mở, vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam sẽ kích hoạt một chu kì mới đi lên. Thị trường bất động sản sẽ vượt qua điểm lõm. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tính hiện thực của kịch bản này khá thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.
Kịch bản thứ ba là kịch bản xấu nhất trong 3 kịch bản ông Chung dự báo, khi mọi khó khăn của hiện tại vẫn kéo dài. Nền kinh tế thế giới vẫn theo mạch suy thoái, tác động đến nền kinh tế trong nước. Thị trường bất động sản tiếp tục đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
Với kịch bản trên, ông Chung cho rằng, nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và đáo hạn, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại. Tuy nhiên, ông lại nhấn mạnh, kịch bản này khó xảy ra, nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra.
Cũng dự báo về kịch bản bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, thị trường có thể ghi nhận 2 kịch bản sẽ xảy ra trong năm tới. Đây là 2 kịch bản trái ngược nhau, phụ thuộc vào những diễn biến thực tế về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Với kịch bản tích cực, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh sau Tết Quý Mão về nguồn vốn, trái phiếu. Nhờ đó, thay vì u ám, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên và có sự phát triển ổn định đến cuối năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài hiện trạng khó khăn như hiện tại.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam, năm 2023 thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng. Về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.
Nguồn: dantri.com