Phong trào lựa chọn du học sau khi tốt nghiệp THPT
Ngoài số lượng thí sinh chọn học nghề, học trung cấp, cao đẳng đang tăng thì số gia đình có điều kiện cho con du học cũng khiến con số thống kê thí sinh vào ĐH trong nước giảm.
Đại diện một trường ĐH của Đài Loan tư vấn cho thí sinh Việt Nam trong một ngày hội tư vấn tuyển sinh vào tháng 7 vừa qua
NGỌC LONG
Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), năm học 2019-2020 ghi nhận khoảng 190.000 du học sinh (DHS) VN đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Đến năm 2023, VN trở thành thị trường tăng trưởng trọng điểm ở Đông Nam Á về lĩnh vực du học, theo trang ICEF Monitor.
Cụ thể, Hàn Quốc có số DHS Việt đang theo học nhiều nhất với 37.490 người, xếp sau là Nhật Bản (37.405), Trung Quốc (27.000), Mỹ (24.865), Úc (23.525), Đài Loan (20.000), Canada (16.140), New Zealand (13.475). Singapore, Đức, Anh, Pháp... cũng có số DHS Việt đáng kể. VN còn đứng hàng đầu về số DHS tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan (thứ 1), Nhật Bản, Hàn Quốc (2), New Zealand (4), Úc, Mỹ (6).
Ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT, cho hay những năm gần đây công ty chứng kiến số HS THPT sau khi tốt nghiệp chọn du học các nước như Mỹ, Úc, Canada ngày càng tăng. "Riêng năm 2023, tổng số HS đăng ký mới và phụ huynh liên hệ để tham khảo thông tin cao đáng kể, gần như gấp đôi cùng kỳ năm ngoái…", ông An chia sẻ.
Theo ông An, DHS Việt đang có xu hướng chọn các ngành học yêu cầu lộ trình đặc thù, kỹ năng chuyên môn cao như phân tích dữ liệu, khoa học máy tính thay vì chú trọng nhóm ngành kinh doanh hay marketing như trước đây. "Canada, Úc, châu Âu cũng đang bổ sung nhiều lộ trình có lợi cho cử nhân, thạc sĩ để ở lại làm việc và định cư lâu dài khiến các bạn càng củng cố thêm quyết định du học", ông An lý giải.
Ước mơ du học từ nhỏ và chính thức "chốt" nước Úc từ đầu năm lớp 12, L.V.H (18 tuổi, ngụ TP.HCM) cho hay động lực lớn nhất đằng sau quyết định này là em muốn độc lập từ những vấn đề từ nhỏ đến lớn, đồng thời trải nghiệm thêm góc nhìn từ các nền văn hóa khác nhau. "Vì nhắm đến học bổng nên em chú trọng điểm thi IELTS và điểm trung bình môn trong lớp phải cao và không đặt nặng kỳ thi tốt nghiệp THPT vì chỉ cần có bằng tốt nghiệp", H. chia sẻ.
Các "điểm đến" ở châu Á cũng đang nhận được nhiều sự chú ý. Bà Nguyễn Thị Khánh Vân, Giám đốc nghiệp vụ Du học Ưu Việt, cho biết trong bối cảnh hậu đại dịch, từ năm 2022, công ty ghi nhận số HS sau khi tốt nghiệp THPT chọn du học Đài Loan tăng khoảng 30-40% so với các năm trước. "Con số này gấp 5 lần so với năm đầu triển khai dịch vụ, và hiện đã có những khu vực hình thành xu hướng du học Đài Loan sau khi tốt nghiệp như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình...", bà Vân thông tin.
Theo bà Vân, "điểm sáng" của du học Đài Loan là học phí chỉ cao hơn VN khoảng 20-30% và không phân biệt với sinh viên bản địa. Dù vậy, sinh viên vẫn được học trong điều kiện cơ sở vật chất tốt, có nhiều cơ hội thực hành.
Một lãnh đạo trường ĐH chia sẻ thêm: "Con số thống kê cho thấy thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH còn có thể đã xét tuyển vào các chương trình liên kết quốc tế, một dạng du học tại chỗ đang rất phát triển thời gian gần đây".
Trang Nhung