Quy hoạch đô thị vệ tinh Hà Nội: Nhanh chóng giải nén, giảm tải áp lực nội đô
Ngoài việc cần thêm các chính sách để “giải cứu” đô thị vệ tinh thoát khỏi tình cảnh trì trệ, nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch chung các khu đô thị vệ tinh từ đó mở rộng các cực phát triển kinh tế mới, giảm áp lực quá tải trong nội đô.
Gấp rút tạo lập chùm đô thị vệ tinh
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26.7.2011 đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Cụ thể, tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị được kỳ vọng là động lực mới quan trọng cho sự phát triển kinh tế, kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển hài hòa giữa khu vực trọng tâm và vùng ngoại thành... tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, 5 khu đô thị vệ tinh Hà Nội (Sóc Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai) với tổng diện tích gần 25.000ha vẫn chưa được hình thành rõ nét, trong khi khu vực nội đô lịch sử đã bộc lộ rõ dấu hiệu quá tải, ô nhiễm không khí nặng nề.
Hiện, đô thị vệ tinh Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) được đánh giá là đô thị vệ tinh lớn, hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Dự kiến nơi đây sẽ hình thành 7 khu vực chức năng, trong đó có hai phân khu quan trọng là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Trải qua hơn 10 năm triển khai, hiện tại đô thị vệ tinh Hoà Lạc mới chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp tiên phong như: Viettel, VNPT, FPT... trong khi công trình xây dựng trọng điểm Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn dở dang, chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, khiến người dân tại đây phải sống trong cảnh thấp thỏm bởi nhà cửa xuống cấp, xập xệ nhưng không được phép sửa chữa, cải tạo.
Ông Cấn Văn Tân (sinh sống tại thôn 5, xã Thạch Hòa) than thở, việc triển khai chậm trễ dự án Đại học Quốc gia Hà Nội đang gây ra sự lãng phí lớn. Nhiều năm nay công trình xây dựng này vẫn chưa thể đưa vào khai thác, tận dụng hết. Thậm chí có thời điểm ông Tân chỉ thấy lác đác các đoàn sinh viên lên học quân sự, 1 - 2 giảng đường mở cửa dạy học nên việc giãn dân, di dời các trường đại học trong nội đô không biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.
Phát triển đô thị vệ tinh để giải nén, giảm tải áp lực nội đô
Hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, nhiều chuyên gia quy hoạch nhận định Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, giãn mật độ dân cư ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình "thành phố trực thuộc thành phố"…
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, muốn giảm tải áp lực cho đô thị trung tâm cần phải giải quyết đồng bộ từ việc kiểm soát gia tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông cá nhân đến phát triển giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống đo đạc, cảnh báo về ô nhiễm môi trường và đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng hành cùng thành phố giữ gìn, bảo vệ môi trường sống…
Về giải pháp quy hoạch, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thời gian qua mô hình đô thị vệ tinh chưa được thực hiện rõ nét nhưng đây vẫn là mô hình hợp lý đối với quy mô ranh giới và tính đặc thù của Hà Nội, do đó, trong thời gian tới cần xem xét lại quy mô, phạm vi cũng như xác định tiến độ cụ thể. Ngoài ra, "thành phố trong thành phố" cũng là mô hình phù hợp với quy định chung. Từ những kinh nghiệm quy hoạch của Thành phố Thủ Đức (TPHCM), Hà Nội cũng cần chú trọng xây dựng quy chế đặc thù về chính quyền đô thị, không thể xem đây là cơ quan ngang cấp quận, huyện.
Mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, để tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững cần chú trọng đến công tác quy hoạch đô thị, ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số, đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả quy hoạch chung.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đặc biệt, phải gắn kết với 4 vùng động lực quốc gia trọng yếu và hệ thống các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông Tây nhằm nâng cao hiệu quả chung của hệ thống. Từ đó yêu cầu về việc hình thành, phát triển các mô hình hệ thống đô thị mới có khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh nhằm giải nén, giảm tải áp lực cho các đô thị lớn cũng là những vấn đề cần có cơ chế phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: Tổng hợp