Ra mắt không gian sáng tạo mới tại Làng cổ Đường Lâm
Ngày 8-4, tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) diễn ra lễ ra mắt không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài creative. Đây là một trong những không gian sáng tạo đầu tiên tại Làng cổ nhằm mang đến nhiều hơn những cơ hội trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của Đường Lâm nói riêng, làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn nói chung.
Nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa tại không gian sáng tạo Đoài Creative.
Trong ngày đầu tiên ra mắt không gian, công chúng và du khách, đặc biệt là các em nhỏ đã được tham gia 2 hoạt động trải nghiệm gồm, tìm hiểu về ngói Mũi hài ri và workshop nặn tạo hình trên nền ngói cũ; tham quan, trải nghiệm văn hóa Đường Lâm. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của đại diện không gian sáng tạo, người chơi được hiểu thêm về một loại vật liệu gắn với quá trình hình thành, phát triển Đường Lâm, thể nghiệm sức sáng tạo với bột màu, đất nặn để cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân với nguồn cảm hứng từ những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình làng cổ…; trải nghiệm không gian làng cổ, với các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực dân gian, check-in lưu niệm…
Theo Trưởng ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, Không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài creative được cải tạo từ một công trình cũ tại Làng cổ Đường Lâm, thông qua việc tái hiện kiến trúc cổ cùng các kỹ thuật làm nhà truyền thống khác, tạo nên không gian đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài. Sự ra đời của không gian văn hóa này hứa hẹn nhân lên cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống làng cổ với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, khơi nguồn sáng tạo phong phú, đặc sắc trong tương lai.
“Thời gian tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục đồng hành với người dân trong việc xây dựng ý tưởng về không gian sáng tạo, cũng như hỗ trợ các hoạt động quảng bá, giới thiệu tới du khách, để các mô hình văn hóa như trên sẽ được nhân rộng. Cụ thể, có thể vận động cải tạo những ngôi nhà cũ để trống hoặc có kiến trúc không phù hợp thành không gian sáng tạo, với các chủ đề đặc sắc và đa dạng gắn kết với đời sống, văn hóa, lịch sử làng cổ… phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, tăng thu nhập cho người dân…”, ông Nguyễn Đăng Thạo nói.
Nguồn: Sưu tầm