Sinh viên chọn thực tập quốc tế: Những lời khuyên không nên bỏ qua
Trước xu hướng thực tập quốc tế đang dần trở nên phổ biến, chuyên gia dành nhiều lời khuyên cho sinh viên về cách chuẩn bị hành trang, cũng như phương pháp tích lũy kinh nghiệm làm việc hiệu quả.
Đừng chỉ sẵn sàng cho công việc
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Cơ quan giáo dục New Zealand (Education New Zealand-ENZ) tại Việt Nam, nêu xu hướng thực tập của nhiều sinh viên hiện nay là chủ động tìm cơ hội xuyên biên giới. Cụ thể, các bạn thường chọn thực tập quốc tế trong dự án thực tế với các doanh nghiệp, tổ chức ở nước ngoài cùng chuyên gia và sinh viên từ nhiều quốc gia khác nhau.
Với nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực du học, bà Vân cho hay, sinh viên quốc tế đã không còn dừng ở mục tiêu được thị trường lao động chấp nhận và có việc làm sau khi ra trường mà đang nhắm đến những cơ hội việc làm toàn cầu. Vì lẽ đó, nhận thức và kỹ năng làm việc trong môi trường liên văn hóa đang trở thành hành trang không thể thiếu cũng như không thể xem nhẹ với sinh viên hiện nay.
Cụ thể, theo nữ giám đốc ENZ, tâm trí cởi mở và tôn trọng sự khác biệt sẽ là ưu tiên hàng đầu vì sinh viên sẽ làm việc cùng đồng nghiệp thuộc các nền văn hóa khác biệt, cũng như có phong cách làm việc không giống với Việt Nam. Sinh viên cũng cần tạo thói quen đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến, cũng như học cách lắng nghe, phản hồi và hợp tác. Đây là những yếu tố then chốt để làm việc nhóm hiệu quả.
Một điểm quan trọng khác là sinh viên phải có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để cân bằng khối lượng công việc trong kỳ thực tập và các chương trình học khác tại Việt Nam. "Để sẵn sàng cho các cơ hội quốc tế, sinh viên Việt Nam cũng cần có tâm thế chủ động trong việc chuẩn bị và hoạch định mục tiêu muốn đạt được", thạc sĩ Vân cho biết thêm.
Làm gì để tích lũy kinh nghiệm làm việc?
Theo bà Vân, một trong những "ải khó" sinh viên cần bước qua trước khi gia nhập thị trường lao động là tích lũy kinh nghiệm làm việc. Trái với quan niệm phổ biến rằng làm càng nhiều tích lũy sẽ càng nhiều, bà Vân cho rằng quá trình này không nằm ở công việc đã làm mà ở kỹ năng mục tiêu sinh viên muốn thiết lập hoặc rèn giũa, cùng sự cọ xát với môi trường thực tế để hiểu hơn về các mối quan hệ trong công việc.
"Điều này có nghĩa là sinh viên không cần sở hữu những công việc làm thêm 'hoành tá tràng' hay 'lọt khung' chuyên môn hoàn hảo thì hồ sơ mới 'ra gì' và 'này nọ', đồng thời cũng không phải đợi công việc tìm đến mà có thể tự tạo ra công việc cho mình", thạc sĩ Vân phân tích.
Để tích lũy kinh nghiệm làm việc hiệu quả, bà Vân khuyên sinh viên cần có góc nhìn và định hướng đúng đắn. Chẳng hạn, với việc thực tập quốc tế, nhiều sinh viên chỉ đơn thuần xem đây là cơ hội làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài. "Nhưng thực chất nó là dịp để thiết lập kỹ năng liên văn hóa, tư duy phản biện và phân tích, cách làm việc độc lập và thích ứng, cách làm việc nhóm và lãnh đạo... bên cạnh rèn luyện các kỹ năng chuyên môn của ngành học", bà Vân lý giải.
Nhìn nhận vấn đề theo góc độ trên, bà Vân cho rằng việc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ chuyên môn trong trường hay tổ chức các hoạt động sinh viên, hoặc tăng cường khả năng quan sát, thực hành tự phản tư cũng giúp sinh viên đúc kết được kinh nghiệm hữu ích. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể chủ động tìm hiểu và tham gia hỗ trợ các dự án của giảng viên, hoặc những nghiên cứu, khảo sát do các đơn vị xã hội thực hiện.
"Đặc biệt, khi tìm việc làm thêm, thay vì nhìn chức danh hay đầu việc, sinh viên nên quan sát qua 'lăng kính' kỹ năng và môi trường làm việc để quyết định xem công việc đó sẽ hữu dụng thế nào cho mình", bà Vân bổ sung thêm.
Cơ hội thực tập quốc tế miễn phí
Thông tin thêm về cơ hội thực tập quốc tế, thạc sĩ Vân cho biết hiện ENZ đang phối hợp cùng ĐH Auckland triển khai chương trình học bổng Thực tập trực tuyến ngắn hạn (virtual micro-internship) cùng các doanh nghiệp New Zealand.
Cụ thể, sinh viên tham gia sẽ được phân công làm việc trong một nhóm gồm 4-6 thành viên đến từ các nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... để giải quyết một vấn đề kinh doanh cho đơn vị có trụ sở tại TP.Auckland.
"Mỗi nhóm sẽ đồng hành với một cố vấn riêng và chuyên gia của đơn vị để được huấn luyện và hỗ trợ trong suốt chương trình. Sinh viên được trao quyền truy cập một nền tảng trực tuyến để kết nối với nhóm, trao đổi và gửi tài liệu, cũng như nhận phản hồi từ cố vấn. Cuối kỳ thực tập, các bạn sẽ nộp báo cáo hoặc thuyết trình kết quả dự án của nhóm", bà Vân nói, đồng thời cho biết, chương trình kéo dài trong 3 tuần với khoảng 10-15 giờ làm việc/tuần.
Theo bà Vân, đây là năm thứ 2 chương trình thực tập quốc tế được tổ chức tại Việt Nam với 50 suất tham dự, tăng thêm 40 suất so với năm trước. Chương trình có sự góp mặt của cả tổ chức chính phủ lẫn doanh nghiệp tư nhân và hiện đã "chốt" một số đơn vị như Hội đồng TP.Auckland (Auckland Council), ĐH Auckland, Nxtstep, Okū... Những năm trước, chương trình từng ghi nhận sự tham gia của các công ty đa quốc gia như Samsung, Vodafone, KPMG, PwC.
Để nâng cao khả năng trúng tuyển, nữ giám đốc ENZ khuyên ứng viên cần khéo léo "khoe" được năng lực lẫn định hướng tương lai qua CV và video trong hồ sơ, đặc biệt là năng lực tiếng Anh. Mặt khác, hội đồng tuyển chọn cũng đánh giá cao những ứng viên có định hướng rõ ràng như vì sao muốn tham gia chương trình, việc tham gia chương trình giúp ích những gì, áp dụng vào thực tế công việc sau này ra sao...
Nguồn: Sưu tầm