Số phận những dự án của Hà Tây, Mê Linh sau khi về Hà Nội
Nhiều dự án được duyệt ngay trước thềm sáp nhập Hà Tây, Mê Linh về thủ đô vẫn dở dang, một số sau 15 năm vẫn là cánh đồng, bãi chăn trâu.
Trong loạt dự án được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt trước khi sáp nhập về Hà Nội năm 2008, Splendora Bắc An Khánh là một trong số ít khu đô thị đã phát triển đồng bộ. Nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, sát trục đại lộ Thăng Long, giá bán bình quân mỗi m2 nhà thấp tầng tại đây hiện khoảng 150 triệu đồng, cũng thuộc nhóm cao nhất.
Dự án thuộc các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh (huyện Hoài Đức) được khởi công vào tháng 4/2007 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 2,6 tỷ USD, quy mô hơn 260 ha. Chủ đầu tư ban đầu là liên doanh Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh do Tổng công ty Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc), mỗi bên sở hữu 50% vốn. Đến năm 2020, dự án về tay Công ty Địa ốc Phú Long.
Sau khi hoàn thành hai giai đoạn đầu với 4 block chung cư và hàng trăm căn nhà thấp tầng, biệt thự, khu đô thị này cũng đã phát triển được nhiều tiện ích như trường học, khu sinh hoạt thể thao, siêu thị, nhà hàng.
Đầu năm ngoái, Splendora Nam An Khánh được đổi tên thành Mailand Hanoi City. Cùng thời điểm, nhà phát triển bất động sản Singapore Keppel Land cũng ký thoả thuận với Phú Long để mua 49% cổ phần tại 3 khu đất (diện tích 14 ha) trong dự án với trị giá khoảng 120 triệu USD. Đến nay, Mailand Hanoi City vẫn đang tiếp tục phát triển các phân khu khác tại khu đô thị này.
Nhưng bên kia đại lộ Thăng Long, đối diện Mailand Hanoi City, dự án Nam An Khánh với quy mô gần 190 ha, phần lớn lại không có người ở dù đã xong phần thô và trông khá hoàn chỉnh khi nhìn từ trên cao.
Theo quy hoạch ban đầu, Nam An Khánh có gần 1.800 sản phẩm thấp tầng gồm biệt thự, nhà liền kề. Dự án tại các xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), được giao cho của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) phát triển từ năm 2006.
Nhưng qua nhiều thăng trầm về pháp lý, năng lực tài chính của chủ đầu tư, dự án từng phải dừng thi công và tái khởi động lại từ năm 2015. Đến nay, khu đô thị này vẫn còn các hạng mục dở dang. Chỉ một số căn ở mặt đường trục đường chính khu đô thị được sử dụng, cho thuê làm sàn giao dịch bất động sản, nhà hàng, quán cafe.
Còn lại hàng trăm biệt thự, nhà liền kề đã hoàn thành phần thô nhưng vẫn chưa có cư dân về ở, cây cỏ mọc um tùm. Khu đất kế bên dự án được người dân tận dụng làm khu vực thả trâu.
Nhiều con đường nội khu giữa các dãy biệt thự vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, thi thoảng có bảo vệ và công nhân xây dựng qua lại. Phần lớn biệt thự đã được bịt kín các cửa ra vào, cửa sổ.
Hiện tại, nhà liền kề, biệt thự tại đây đang được rao bán với mức giá từ trên 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng mỗi m2 tuỳ từng diện tích và vị trí căn.
Cùng được phê duyệt ngay trước thời điểm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) bên quốc lộ 32 cũng chưa thể về đích.
Khu đô thị này có diện tích 140 ha, được quy hoạch hơn 1.300 lô liền kề, hơn 600 biệt thự và hơn chục toà chung cư. Đến cuối năm 2021, dự án có tên thương mại mới Hinode Royal Park. Nhưng nhìn chung, giai đoạn 2012-2023, khu đô thị xây dựng được một vài công trình rồi ngưng trệ do thị trường bất động sản lao dốc.
Gần đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm giai đoạn trước về quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex - chủ đầu tư dự án này - đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở của dự án nhưng không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, 1/500 do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Đến cuối tháng 7, chủ đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, cảnh quan trong khu đô thị, cũng như xây dựng phần thô các căn biệt thự, liền kề. Các bất động sản tại đây đang được rao bán với mức giá bình quân 70 triệu đồng mỗi m2.
Trong khi đó, hàng loạt dự án khác thậm chí vẫn chỉ là cánh đồng, sau 15 năm.
Trong ảnh là cánh đồng tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), trước tháng 8/2008 thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình). Khu vực này nằm trong quy hoạch của dự án khu đô thị Tiến Xuân với quy mô hơn 1.200 ha - nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy như nhiều dự án được phê duyệt ngay trước ngày Hà Nội mở rộng. Sudico làm chủ đầu tư "siêu dự án" này. Sau 16 năm khởi công, dự án vẫn đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế ý tưởng quy hoạch để báo cáo TP Hà Nội.
Hà Phong là một trong những dự án đầu tiên tại được triển khai tại Mê Linh có diện tích 41 ha với quy hoạch hàng trăm biệt thự, nhà liền kề và chung cư, dự kiến hoàn thành năm 2014. Đến nay, khu đô thị mới có vài chục căn biệt thự được xây dựng, nhưng cũng rất ít căn có người ở bởi dự án thiếu các tiện ích như quảng cáo ban đầu.
Gia súc cũng được chăn thả trong khuôn viên khu đô thị này - cũng giống như nhiều dự án bị bỏ hoang khác ở vùng ven Hà Nội.
Bà Dinh (đội nón), 56 tuổi ở xã Tiền Phong đang cùng người em ngồi trông đàn bò gần hai chục con được thả trong khu đất trống giữa những biệt thự. Gần chục năm nay, bà vẫn nuôi bò ở khu vực này, sau khi được đền bù gần 50 triệu đồng cho 3 sào ruộng để thực hiện khu đô thị Hà Phong.
Nằm ngay gần Hà Phong, Diamond Park là một trong hàng chục dự án đến nay vẫn bất động tại huyện Mê Linh. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc duyệt quy hoạch chi tiết tháng 7/2008. Năm 2017, Hà Nội duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết với quy mô dự án khoảng 16,7 ha, tăng 2,3 ha so với trước đây. Khu đô thị dự kiến gồm 2 khu với trường học, chung cư, nhà ở xã hội, nhà liền kề, biệt thự với gần số hơn 4.500 người.
Tuy nhiên, đến nay, ngoài khu vực cổng chào được dựng lên, đường nhựa nội khu, những hàng gạch để phân lô, dự án vẫn chưa được triển khai thêm hạng mục nào. Nhiều diện tích đất bên trong dự án vẫn đang được trồng hoa hoặc rau.
Dự án Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và (tên thương mại Mê Linh Vista) cũng nằm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh có quy mô gần 59 ha, gồm hai giai đoạn 1 khoảng 25,4 ha và giai đoạn 2 mở rộng. Dự án cũng được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt năm 2008. Sau hơn chục năm bất động, đến năm ngoái, dự án được khởi động lại.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, dự án mới chỉ hoàn thành được một dãy nhà liền kề, đường nội khu và một số công trình khác. Hiện tại, phía trong dự án cũng không có công nhân xây dựng.
HUD Mê Linh Central có quy mô hơn 55 ha nằm tại xã Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, tiếp giáp đường Vành đai 4, Quốc lộ 23B. Dự án được khởi công vào tháng 6/2012, dự kiến hoàn thành 2021. Thuộc giai đoạn một của dự án, khu nhà ở xã hội gồm 14 khối nhà cao 6 tầng đã bàn giao từ giữa năm 2021. Hiện tại, khu nhà thấp cũng đã xây dựng xong một phần.
Bên cạnh các căn xây xong, chủ đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện thêm các biệt thự, nhà liền kề của dự án. Một căn liền kề 3 tầng, 1 tum đã có sổ đỏ tại đây đang được môi giới chào bán với giá từ 39 triệu đồng mỗi m2. Nhà liền kề của dự án có diện tích 102 đến gần 160 m2, biệt thự đơn lập và song lập diện tích dao động 200 - 400 m2.
Tại Mê Linh, HUD cũng là nhà đầu tư của hai dự án Mê Linh - Đại Thịnh và Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 với tổng quy mô hơn 200 ha. Tuy nhiên, hồi tháng 6, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi cả hai dự án vì đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Nhìn chung, sau 15 năm, các dự án phía Tây Hà Nội cơ bản đã lên được hình hài khu đô thị dù nhiều nơi tỷ lệ lấp đầy chưa cao. Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc - huyện Mê Linh, đa phần dự án vẫn chỉ là những quy hoạch trên giấy khi hiện tại vẫn là đất trồng hoa hay cánh đồng. Huyện này có 47 dự án bất động sản nhà ở, đô thị được duyệt, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc ký 18 dự án chỉ trong vòng 1 tháng trước ngày Mê Linh về Thủ đô.
Theo báo Vnexpress.vn