Tam Giáo tự - ngôi chùa đặc biệt ở Hà Nội
Tam Giáo tự tọa lạc trên một thế đất đẹp ở đầu làng Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội). Chùa là một công trình kiến trúc tôn giáo đẹp, còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc, văn hóa cổ xưa. Đặc biệt, từ xưa đến nay, đây là một trong số ít những ngôi chùa ở Bắc Bộ thờ Tam giáo (tức Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo).
Tam Giáo tự (hay tên nôm gắn với tên làng còn được gọi là chùa Đại Phùng) nhìn theo hướng chính Tây, hướng kiến trúc theo quan niệm của nhà Phật là hường về miền đất Phật, miền Tây phương cực lạc. Công trình chính gồm có: tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách. Ngoài ra, còn có sân gạch, ao, giếng và vườn cây xung quanh di tích.
Chùa chính được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm tòa bái đường 7 gian bằng gỗ với kiểu thức 5 hàng chân gỗ và vì nóc kiểu "thượng chồng rường con nhị, hạ chồng rường, kẻ, bẩy, hiên"... Tiền đường có nền cao hơn hiên 14cm, được ngăn bằng hệ thống cửa bức bàn cao 50cm. Tiếp đến là ba gian dọc nối liền từ gian giữa tiền đường vào để tạo thành hạng mục thượng điện mà dân gian quen gọi là kiểu "chuôi vồ".
Đáng chú ý, ở thượng điện Tam Giáo tự có 5 lớp tượng. Trên chính điện, ở vị trí cao và sâu nhất là ba pho Tam thế, tên đầy đủ là Tam thế thường trụ diệu pháp thân, tượng trưng cho "Tam thế tam thiên Phật" tức ba ngàn đức Phật trong 3 kiếp: Quá khứ gắn với Trang nghiêm đại kiếp; Hiện tại gắn với Hiền kiếp và Vị lai gắn với Tinh Tú kiếp. Tượng và bệ tượng Tam thế ở giữa có cùng niên đại tạo tác thế kỷ XVIII; hai tượng Tam thế hai bên được làm muộn hơn...
Lớp thứ hai là tượng Cửu long và Thích Ca sơ sinh được tạo tác bằng chất liệu đồng. Hai bên là tượng Quán Thế Âm và Đại Thế Chí (nhân dân địa phương còn gọi là 2 pho Diệu Âm và Diệu Thanh). Tượng có phong cách tạo tác đầu thế kỷ XIX.
Lớp thứ ba là tượng A Di Đà được tạo tác ngồi trên đài sen với kích thước lớn, hai bên là tượng Văn Thù (cưỡi sư tử xanh) và Phổ Hiền (cưỡi voi trắng)...
Lớp tượng thứ 4 là tượng Quan Âm chuẩn đề được tạo tác khá đặc biệt với hình tượng quỷ biển đội tượng bên dưới, hai bên là nhị vị Kim Đồng, Ngọc Nữ có phong cách tạo tác nửa sau thế kỷ XVIII.
Lớp thứ năm là tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, đều có cùng niên đại tạo tác đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt, ở thượng điện còn có hai pho tượng Khổng Tử và Lão Tử được tạo tác bằng chất liệu thổ, phong cách thế kỷ XIX.
Cho đến nay, tại Tam Giáo tự còn lưu giữ được một số di vật quý, là những thông điệp lịch sử, qua đó khẳng định giá trị của ngôi chùa đối với cộng đồng dân cư làng Đại Phùng nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung. Ngoài hệ thống tượng có niên đại thế kỷ XVIII, XIX, trong chùa còn lưu giữ 1 bia đá thời nhà Mạc nói về việc trùng tu, công đức ruộng đất cho nhà chùa, được tạc vào năm 1591 (niên hiệu Hồng Ninh nguyên niên); 1 chuông đồng niên hiệu Chính Hòa (1687); 1 khánh đồng niên hiệu Gia Long (1815); 1 khánh đá niên hiệu Vĩnh Thịnh tam niên (1707);...
Văn bia được tạc vào thời nhà Mạc (năm 1591) và hiện còn dựng tại chùa có ghi: Chùa có tên Tam Giáo tự từ lâu, đến năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (năm 1574) đã tiến hành trùng tu. Bên cạnh đó, trên văn bia này còn nhấn mạnh: "Danh lam trong thiên hạ đâu đâu cũng có, song lập chùa đặt tên là Tam Giáo thì chưa từng có vậy!" Theo đó, tên chữ của chùa là Tam Giáo tự hẳn có từ lúc khởi dựng chùa đến nay. Và như vậy, có thể thấy, ngay từ giai đoạn sớm, chùa này đã thờ Tam giáo, điều đó phân biệt với nhiều di tích vốn dĩ là đạo quán, sau đó bị "tự hóa", hay các di tích ban đầu là chùa thờ Phật về sau mới dung hội thêm nội dung Đạo giáo và Nho giáo. Hiện nay, trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng thờ tương ứng với các chức năng thờ tự vốn có, gồm: hệ thống tượng Phật, tượng Khổng Tử và Lão Tử.
Theo tư liệu hiện còn, dạng chùa Tam giáo vốn ít gặp, dưới triều Mạc, dường như chỉ có chùa Tam Giáo ở Đại Phùng và chùa thờ Tam giáo ở xã Cao Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, chùa thờ Tam giáo ở Thái Bình vốn tên là chùa Cao Dương (Cao Dương tự). Theo đó, đến nay, chùa Đại Phùng là ngôi chùa duy nhất được định danh Tam Giáo tự dưới triều Mạc. Xét trong phạm vi toàn quốc, đây cũng là một trong số rất ít những ngôi chùa được định danh là chùa Tam Giáo. Có lẽ, đó chính là điểm đặc biệt so với hàng loạt những ngôi chùa thông thường khác vốn chủ yếu là thờ Phật.
Ngoài ra, bên cạnh giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, Tam Giáo tự ở làng Đại Phùng là minh chứng, biểu tượng cho sự dung hòa Tam giáo, mà mở rộng ra là dung hòa tư tưởng, khoan dung tư tưởng của người Việt nói chung và nhân dân địa phương nói riêng. Không chỉ vậy, nó còn là minh chứng cho sự kết cố cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Năm 2015, Tam Giáo tự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2017, được Nhà nước cấp kinh phí trùng tu các hạng mục: Tam bảo, tả vu, hữu vu, tam quan... Song, do kinh phí hạn hẹp, nên còn một số hạng mục khác, trong đó có nhà thờ mẫu đang xuống cấp trầm trọng, chưa được trùng tu, sửa chữa. Bên cạnh đó, từ tháng 4-2020 đến nay, Tam Giáo tự chưa có sư trụ trì chính thức. Bởi vậy, mong mỏi của các Phật tử và người dân trong làng Đại Phùng là các cấp, các ngành chức năng, Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội quan tâm, sớm phân công sư trụ trì chính thức tại chùa. Để từ đó, cùng với nhân dân địa phương tiếp tục giữ gìn, tôn tạo, phát huy những giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của Tam Giáo tự, đồng thời duy trì nét đẹp trong văn hóa tâm linh nơi làng quê Việt.
Nguồn: Sưu tầm