Thạch Thất xây dựng điểm đến sinh thái

Huyện Thạch Thất có địa thế nằm giữa vùng du lịch lớn của Hà Nội như Ba Vì, Sơn Tây và Quốc Oai với những điểm đến như: Chùa Tây Phương, làng thủ công mỹ nghệ Chàng Sơn, các mô hình sinh thái ở Tiến Xuân… đang mở ra không gian trải nghiệm du lịch sinh thái để hút khách và là hướng đi trong phát triển du lịch của huyện.

Tháng 9 23, 2023 - 21:37
Tháng 10 11, 2023 - 23:17
 0  13
Thạch Thất xây dựng điểm đến sinh thái

Khu sinh thái du lịch nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh

Gia đình chị Nguyễn Việt Hà (phường Thanh Xuân Bắc, quận Đống Đa, Hà Nội) trở về sau chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần tại Khu sinh thái du lịch nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh. Chị Hà cho biết, cả gia đình đã trốn cái nắng nóng của Hà Nội về nơi đây để tận hưởng không khí trong lành giữa núi non, được thư giãn, tận hưởng hương núi rừng, vẻ đẹp hoang sơ, cảm nhận được sự ấm áp và bình yên. Từ trung tâm Hà Nội lên đây chỉ mất khoảng 1 giờ chạy xe, hai ngày nghỉ cuối tuần gia đình chị thường ưu tiên lựa chọn điểm đến gần, thuận tiện mà vẫn được sống giữa miền xanh, hòa mình với thiên nhiên.

Bản đồ chỉ dẫn tới Thung lũng Ngọc Linh

Tại Thạch Thất, nhiều du khách còn ấn tượng với điểm đến là Trang trại Hoa Viên (xóm Dục, xã Yên Bình). Với quy mô 60ha, các sản phẩm của trang trại được trồng dưới hệ thống nhà màng trồng rau, mỗi nhà màng có diện tích 1.000m2 với kỹ thuật tiến bộ, áp dụng công nghệ cao, canh tác hữu cơ, cho năng suất và sản lượng ổn định, có nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Trang trại Hoa Viên thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch trang trại hữu cơ, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Bản đồ chỉ dẫn tới Trang trại Hoa Viên

Huyện Thạch Thất được đánh giá có tiềm năng du lịch phong phú với nhiều địa danh thiên nhiên đẹp và làng nghề truyền thống. Hiện toàn huyện có 209 di tích văn hóa như đền, chùa, đình, miếu, quán, trong đó có 33 di tích được xếp hạng quốc gia, 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Nổi tiếng nhất phải kể đến là chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt và là Điểm du lịch do UBND thành phố Hà Nội công nhận. Tại chùa Tây Phương có bộ tượng Phật thời Tây Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia. Huyện Thạch Thất có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và được khôi phục như: Hát chèo Canh Nậu, Đại đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Mường ở Tiến Xuân…

Thạch Thất còn trở nên trù phú bởi có 10 làng nghề truyền thống đã được công nhận với những sản phẩm độc đáo như: Chuồn chuồn tre, chè Lam (Thạch Xá); quạt giấy, nghề mộc (Chàng Sơn); mây tre giang đan Bình Phú; cơ kim khí Phùng Xá; điêu khắc đá ong Bình Yên… được giới thiệu rộng rãi tại các lễ hội du lịch, hội chợ sản phẩm quà tặng, làng nghề của Hà Nội và thu hút du khách.

Khai thác tiềm năng trong phát triển kinh tế trang trại, hàng trăm trang trại, khu sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang thúc đẩy sự đa dạng các sản phẩm du lịch tại nơi đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thạch Thất được quy hoạch trở thành một trong những huyện phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại và du lịch sinh thái. Huyện đang chọn hướng đi là phát triển du lịch dựa trên nội lực, thế mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế và nguồn tài nguyên du lịch; phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển theo hướng bền vững.

Năm 2022, huyện Thạch Thất có 2 điểm đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch là Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương và khu du lịch sinh thái Hoàng Long. Huyện Thạch Thất phấn đấu giai đoạn 2025-2030 sẽ trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Hằng năm, huyện đón bình quân trên 150.000 lượt khách, trong đó có trên 10.000 lượt khách quốc tế.

Góp ý kiến cho việc phát triển du lịch huyện Thạch Thất, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh đến vai trò tham gia của người dân trong phát triển cộng đồng rất quan trọng. Người dân cần giữ gìn cảnh quan, môi trường, đặc biệt là tại các làng nghề; nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh. Huyện Thạch Thất nên có chiến lược kết nối các tour, tuyến điểm trên địa bàn và các huyện lân cận để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Nguồn sưu tầm