Thị trường chứng khoán sẽ tiếp đà "sắc xanh"

Thị trường chứng khoán trong nước trải qua những tháng đầu năm diễn biến giằng co và sau đó hồi phục. Với những thông tin khả quan về thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, giới chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tiếp đà "sắc xanh" theo chiều hướng chỉ số Vn-Index đi lên và có thể đạt mức 1.400 điểm.

Tháng 8 5, 2023 - 23:34
Tháng 8 5, 2023 - 23:44
 0  9
Thị trường chứng khoán sẽ tiếp đà "sắc xanh"

Khách hàng giao dịch tại Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trần Việt

Diễn biến tích cực

Thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực trong tháng 1, trước khi giảm xuống khá thấp trong tháng 2 nhưng đã phục hồi trở lại từ cuối tháng 3 đến nay. Kết thúc phiên ngày 30-6, Vn-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022. Sang tháng 7, thị trường diễn biến tích cực hơn với phần lớn các phiên đi lên. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7-2023, chỉ số Vn-Index tăng hơn 15 điểm, đạt 1.222,9 điểm (đây là mức tăng lớn nhất của chỉ số trong hơn 4 tháng qua), tăng 9,17% so với tháng 6-2023 và tăng 21,43% so với cuối năm 2022. Tâm điểm của thị trường trong phiên cuối cùng của tháng 7 là bộ đôi VIC (Tập đoàn Vingroup) và VHM (Công ty cổ phần Vinhomes) tăng kịch trần sau những thông tin tốt về kết quả kinh doanh nửa đầu năm, đã dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Tính riêng hai cổ phiếu VIC và VHM đã đem lại cho Vn-Index hơn 7 điểm, nghĩa là chiếm nửa tổng mức tăng ở chỉ số chính. Sau khi vượt mức 1.220 điểm, áp lực chốt lời gia tăng khiến chỉ số chung giảm ở phiên đầu tháng 8. Hôm sau (2-8), Vn-Index tăng trở lại, ghi 2,87 điểm (0,24%), lên 1.220,43 điểm. Dù ngày 3-8, do áp lực bán tiếp tục gia tăng lên thị trường, khiến chỉ số chung “bốc hơi” hơn 9 điểm, xuống sát mức 1.210 điểm nhưng đến hôm qua (4-8), Vn-Index tiếp tục tăng mạnh trở lại với 15,03 điểm (1,24%), lên mức 1.225,98 điểm.

Cùng với diễn biến của chỉ số, sau khi giảm mạnh trong quý I-2023, thanh khoản trên thị trường đã có diễn biến tích cực trong quý II khi liên tục được cải thiện, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 6 thanh khoản đã tăng lần lượt 25,8% và 27,2% so với tháng liền trước và đạt 19.829 tỷ đồng/phiên trong tháng 6, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1. Đáng chú ý, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, thanh khoản đạt hơn 26.000 tỷ đồng, đánh dấu phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất kể từ ngày 8-4-2022 và là phiên thứ 4 liên tiếp giá trị giao dịch đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản mở mới tăng 413.976, đưa tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên hơn 7,31 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2022.

Vn-Index có thể đạt 1.400 điểm

Đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi đón nhận một số thông tin tích cực đến từ sự hỗ trợ quyết liệt về chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế. Đó là, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt, sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn cá nhân trong nước. Kể từ tháng 4-2023, nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường khá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài khóa, bao gồm thúc đẩy đầu tư công, miễn, giảm thuế, phí để hỗ trợ phục hồi kinh tế, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước...; và đồng loạt khởi động các dự án đường cao tốc quốc gia…

Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, điểm sáng của thị trường thời gian qua là chỉ số Vn-Index đã vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm nên đà tăng một mặt thể hiện sự bền vững đi lên, mặt khác tạo áp lực chốt lời khi nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh không kéo dài bởi lãi suất tiết kiệm giảm và dự báo có thể còn giảm tiếp, dòng tiền sẽ tiếp tục vào kênh chứng khoán. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn 6 tháng đầu năm; kinh tế được dự báo tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm. “Thời gian tới, chỉ số Vn-Index có thể đạt mức cao nhất là 1.400 điểm. Tuy nhiên, sau khi đạt mức trên, thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh trở lại, chỉ số Vn-Index có thể lùi về mức 1.200 điểm vào cuối năm”, vị chuyên gia này dự báo.

Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023 với dự báo tăng trưởng của 6 tháng cuối năm nay đạt 7,1%, qua đó nâng mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,5%. Đà phục hồi trong nửa cuối năm nay được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách tài khóa mở rộng và môi trường lãi suất thấp hơn. Trong kịch bản cơ sở, chuyên gia của Vndirect kỳ vọng Vn-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong nửa sau năm 2023. Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, với kỳ vọng về thanh khoản của thị trường chứng khoán và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp cải thiện trong những tháng cuối năm, xu hướng chính của thị trường trong thời gian tới là đi lên.

Theo báo hanoimoi.vn