Tích hợp GPLX, giấy chứng nhận kết hôn vào thẻ căn cước bằng cách nào?

Một số thông tin có tính ổn định sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước như thẻ BHYT, BHXH, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kết hôn... Bộ Công an có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an toàn thông tin.

Tháng 5 3, 2023 - 18:17
Tháng 5 30, 2023 - 18:40
 0  9
Tích hợp GPLX, giấy chứng nhận kết hôn vào thẻ căn cước bằng cách nào?

Trong báo cáo gửi Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước, Chính phủ lý giải rõ việc tích hợp một số thông tin vào thẻ căn cước và giải pháp thực hiện.

Dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước.

Hai biện pháp tích hợp

Theo Chính phủ, thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền.

Việc tích hợp sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm giấy tờ như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...

Máy kiểm tra chất lượng sau khi khoan gắn chip lên thẻ CCCD. Hình ảnh chụp trong khu vực sản xuất thẻ CCCD gắn chip thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (Ảnh: Mạnh Quân).

Thông tin rõ hơn về cách thức tích hợp, Chính phủ cho biết có 2 biện pháp. Một là nạp thông tin tích hợp vào chip, mã QR code trên thẻ căn cước khi người dân thực hiện thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Với biện pháp này, Chính phủ khẳng định không tốn chi phí việc tích hợp, người dân không phải mất phí làm thẻ căn cước lần đầu mà chỉ phải thanh toán phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Biện pháp thứ hai là nạp thông tin tích hợp vào căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD). "Việc tích hợp này được thực hiện trực tuyến, không tổn chi phí", Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ nhấn mạnh việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý Nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý.

Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định.

Trong trường hợp thẻ căn cước được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Về việc triển khai trên thực tế, Chính phủ khẳng định Bộ Công an có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chip.

Theo đó, chỉ có thiết bị chuyên dụng đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mới có thể khai thác được thông tin tích hợp trong thẻ căn cước. Thiết bị này sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã sổ riêng, truy nguyên được chủ thể sử dụng.

Bên cạnh đó, việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc này phải được người dân đó đồng ý thông qua xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng di động VNelD.

Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước, nếu bị người khác sử dụng thẻ căn cước trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp vì phải được chủ thẻ xác nhận trên thiết bị chuyên dụng hoặc ứng dụng VNelD.

Nhiều lợi ích

Chính phủ khẳng định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ giúp cơ quan Nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính; không phải in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân.

Các cơ quan cũng không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do người dân cung cấp khi giải quyết thủ tục hành chính, giảm nhân lực giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân.

Những CCCD, CMND cấp trước khi luật có hiệu lực vẫn còn giá trị (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Người dân, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ chính sách này khi không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ví dụ, hiện nay, chi phí để cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng chi phí để cấp đăng ký xe là 30.000 đồng, chi phí để sản xuất, cấp văn bằng, chứng chỉ trung bình 10.000-50.000 đồng/văn bằng, chứng chỉ; chí phí để sao y, chứng thực, công chứng từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/trang.

Bên cạnh đó, người dân không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân.

Trường hợp cơ quan Nhà nước không đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước, Chính phủ cho biết có thể lựa chọn các cách thức khác để khai thác thông tin của người dân qua kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công...

"Về cơ bản, Bộ Công an đã bảo đảm các yêu cầu để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa số liệu, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đồng thời đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống, mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu công tác", Chính phủ nêu rõ.

Theo định hướng, trước mắt chỉ lựa chọn, tích hợp thông tin trong một số loại giấy tờ vào thẻ căn cước. Tùy theo sự phát triển của hạ tầng dữ liệu trong từng giai đoạn phát triển, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất việc tích hợp thông tin trên một số loại giấy tờ khác vào thẻ căn cước và báo cáo Thủ tướng quyết định.

Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10).

Nguồn: Báo dân trí